Web Content Viewer
- Mở tài khoản tại Agribank
- Vay vốn tại Agribank
- Thẻ của Agribank
- Chuyển tiền tại Agribank
- Lãi suất tiền gửi, tiền vay của Agribank
- Chuyển tiền quốc tế Agribank
- Mobile Banking
- Internet Banking
- Khuyến mãi, ưu đãi của Agribank
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Biểu mẫu đăng kí
- Biểu phí dịch vụ
- Công cụ tính toán
- Hỏi đáp
- Liên hệ
- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
- Tỷ giá ngoại tệ
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Đăng nhập Ngân hàng trực tuyến
Agribank tham gia tọa đàm “Hợp tác vì sự phát triển bền vững”
07/03/2025
Sáng ngày 6/3/2025, tại khách sạn Pan Pacific (Hà Nội), Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA Việt Nam) và KPMG Việt Nam đã phối hợp tổ chức sự kiện “Dẫn đầu xu hướng ESG”. Sự kiện quy tụ đông đảo các chuyên gia kinh tế, đại diện các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thảo luận về vai trò ngày càng quan trọng của việc thực thi ESG, hướng tới phát triển bền vững. Tham gia tọa đàm tại sự kiện, đại diện Agribank đã chia sẻ về “Động lực, cơ hội và thách thức khi triển khai ESG” và “Những giải pháp và các gói sản phẩm tài chính bền vững Agribank cung cấp để hỗ trợ khách hàng”.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ, Phó Trưởng Ban Phát triển Bền vững Agribank (thứ 2 từ trái sang) đại diện Agribank tham gia sự kiện "Dẫn đầu xu hướng ESG"
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam đã chia sẻ về sự chuyển dịch của xu thế ESG, từ một mô hình mang tính tự nguyện trở thành nhiệm vụ tuân thủ tại nhiều quốc gia. Những cam kết quốc tế tại Hội nghị COP26 (năm 2021) đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình phát triển bền vững khi các quốc gia cam kết giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cùng với đó, Liên minh Châu Âu (EU) đang siết chặt các quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Luật Chống phá rừng và công bố báo cáo phát triển bền vững… Những yêu cầu này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp tại châu Âu mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Để thích ứng với các quy định mới, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang từng bước áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững như GRI, CSRD, ISSB… và tích cực nâng cao năng lực quản trị ESG.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Hợp tác vì sự phát triển bền vững”, có sự tham gia của 5 chuyên gia trong lĩnh vực ESG: PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường; TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ, Phó Trưởng Ban Phát triển Bền vững Agribank; ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam; bà Phạm Hoàng Ngọc Linh - Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận tư vấn nguồn nhân lực và thay đổi, KPMG Việt Nam; ông Lê Đức Anh - Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn quản trị, KPMG Việt Nam.
Buổi tọa đàm tập trung thảo luận ba nội dung chính: Động lực, cơ hội và thách thức khi doanh nghiệp triển khai ESG; Cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; Những yêu cầu doanh nghiệp cần đáp ứng để triển khai ESG hiệu quả.
Quang cảnh sự kiện "Dẫn đầu xu hướng ESG"
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, để triển khai ESG hiệu quả, doanh nghiệp cần tập trung vào các nội dung chính: (i) Về môi trường, cần quan tâm đến công trình xanh, giảm thiểu và xử lý rác thải, giảm phát thải khí nhà kính; (ii) Về xã hội, cần tập trung vào trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng và các vấn đề về nhân quyền. Trong đó, công trình xanh là những công trình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Đối với vấn đề xử lý rác thải, cần giảm thiểu, phân loại rác thải tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, các quy định nhằm giảm phát thải khí nhà kính ngày càng được siết chặt. Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg về việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/8/2024, có 2.166 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và nông lâm nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải trước ngày 31/3/2025. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể nhằm giảm phát thải theo từng giai đoạn, đảm bảo tuân thủ pháp luật và hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cũng đưa ra một số ví dụ về hậu quả của việc không đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững và đặc biệt nhấn mạnh: trong môi trường cạnh tranh gay gắt, những doanh nghiệp không tích hợp ESG vào trong chiến lược kinh doanh thì sẽ gặp nhiều bất lợi không nhận được đầu tư và không thể tham gia vào thương mại toàn cầu.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ, Phó Trưởng Ban Phát triển bền vững Agribank đã có những chia sẻ sâu sắc về động lực, thách thức của Agribank khi tích hợp ESG vào trong chiến lược kinh doanh và các giải pháp tài chính bền vững mà Agribank đang triển khai. Trong đó, Agribank đã cung cấp nhiều chương trình nhằm thúc đẩy ESG và hỗ trợ doanh nghiệp và ngành nông nghiệp, bao gồm: Đồng hành cùng Chính phủ trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6%/năm dành cho các dự án thuộc lĩnh vực xanh, bao gồm điện mặt trời, điện gió, công trình xanh…; Chương trình tín dụng xanh 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 3,5%/năm; Hợp tác quốc tế với các tổ chức như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg để thu hút nguồn vốn xanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững;…
Sự kiện “Dẫn đầu xu hướng ESG” đã mang đến cái nhìn toàn diện về xu thế tất yếu của ESG trên phạm vi toàn cầu. Triển khai ESG không chỉ là nhiệm vụ tuân thủ, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu, đóng vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, nhất là nông nghiệp, nông thôn, Agribank đang tiên phong trong việc triển khai ESG thông qua các giải pháp tài chính bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam.
Võ Thị Diệu Thúy - Trường Đào tạo cán bộ
Các tin khác
- Agribank tiên phong kiến tạo giá trị bền vững vì tương lai xanh
- “Agribank - Thêm cây, thêm sự sống”, lan tỏa hành trình “Vì tương lai xanh” tại Mê Linh
- Agribank đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số
- Con đường nông sản - Tín dụng xanh nâng cánh nông nghiệp bền vững
- Agribank tham gia tọa đàm “Hợp tác vì sự phát triển bền vững”
- Agribank thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững
- Agribank nỗ lực hiện thực hóa cam kết về Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG)
- Agribank đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế
- Tín dụng xanh tại Agribank: Khoản vay lâm nghiệp bền vững đứng đầu về lượng khách hàng
- Agribank phối hợp với Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước tổ chức Tọa đàm “Hướng tới một tương lai bền vững: Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam – Hàn Quốc”