Agribank luôn ưu tiên đầu tư vốn tín dụng lĩnh vực "Tam nông"

09/10/2024

Ngày 09/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy “Tam nông” phát triển nhanh và bền vững.

Tham dự Hội thảo có bà Hà Thu Giang – Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN; bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng; đại diện các đơn vị thuộc NHNN và các NHTM. Đại diện Agribank – Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Ngọc tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Dòng vốn ngân hàng luôn đồng hành cùng lĩnh vực “Tam nông”

Tại Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. 

Bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định “Tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này. NHNN đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân trong mọi lĩnh vực ngành, nghề, trong đó có lĩnh vực “Tam nông”.

Kết quả tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2023

Theo bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, bình quân giai đoạn 2016 - 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này đến từ việc hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng chú trọng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện có hơn 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cấp vốn cho lĩnh vực này. Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cùng hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), Quỹ tín dụng nhân dân đã cung cấp các dịch vụ tài chính đặc thù cho nông dân, cư dân vùng sâu, vùng xa.

Dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đạt 27.649 tỷ đồng vào cuối năm 2023, trong khi dư nợ tín dụng dành cho các chuỗi giá trị liên kết trong nông nghiệp tăng trưởng 13,42% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2023. Đối với nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tỷ trọng tín dụng đã tăng từ 31% vào năm 2016 lên gần 39% năm 2023, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản và vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới. 

Ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đến 30/9/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là hơn 1 triệu tỷ đồng với 2,8 triệu khách hàng, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm năm 2015 – khi bắt đầu triển khai Nghị định 55 của Chính phủ. Để đạt được kết quả như vậy, Agribank đã thực hiện chính sách nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, không ngừng đổi mới, cải tiến quy trình, sản phẩm để phù hợp với đối tượng khách hàng này. 

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội thảo

Theo đó, Agribank luôn tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ; đổi mới phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua Tổ vay vốn, đồng thời, đổi mới về phương thức tổ chức phục vụ khách hàng ngày càng thuận tiện, tiết giảm chi phí thông qua thành lập Ngân hàng lưu động. 

Tuy là ngân hàng thương mại, nhưng hằng năm, bằng tài chính của mình Agribank đã dành hàng ngàn tỷ đồng thực hiện cơ chế ưu đãi về lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên. Chủ động dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Ngoài ra, Agribank đã đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Agribank hiện là ngân hàng có thị phần cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất hệ thống ngân hàng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tách bạch tín dụng chính sách và thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách Nhà nước

Để nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xây dựng trong thời gian tới, tại Hội thảo, đại diện Agribank – Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Ngọc đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Theo đó, Agribank kiến nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành xem xét xây dựng các chương trình tín dụng chính sách theo hướng tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách Nhà nước, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi; Ưu tiên cho Agribank làm ngân hàng phục vụ các dự án ủy thác đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Ưu tiên nhận vốn nhàn rỗi từ các quỹ của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, quỹ hỗ trợ sắp xếp đối với doanh nghiệp với lãi suất thấp để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, Agribank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, đề nghị các cơ quan, Bộ ban ngành có chính sách thu mua, dự trữ, bình ổn giá các sản phẩm nông nghiệp để người dân tránh rủi ro do giá hạ.

Đại diện của Agribank tham luận tại Hội thảo

Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Ngọc cho biết, để hạn chế rủi ro trong quá trình triển khai đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Agribank kiến nghị đẩy nhanh việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại Agribank để thuận lợi trong quá trình thực hiện, đồng thời mở rộng đối tượng và địa bàn triển khai nhiều loại hình bảo hiểm nông nghiệp thích hợp để bảo đảm nợ vay khi rủi ro xảy ra.

Agribank cũng kiến nghị các địa phương có giải pháp hỗ trợ việc thành lập và phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong các khâu của quá trình sản xuất- thu mua- chế biến-tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đồng thời, có chiến lược tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định, thu hồi được vốn để quay vòng sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi nhận tài sản trên đất; phối hợp với Agribank trong việc quản lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, theo dõi và quản lý chặt chẽ để bảo đảm chỉ xác nhận cho hộ gia đình, cá nhân vay không có bảo đảm bằng tài sản tại 01 tổ chức tín dụng khi sử dụng loại giấy tờ này; đồng thời thông báo kịp thời cho ngân hàng nơi cho vay được biết khi cá nhân, hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức để có biện pháp quản lý thống nhất, tránh cho vay trùng lắp giữa các ngân hàng./.

Agribank News

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi