Ngân hàng đa dạng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau bão

18/09/2024

Trước sự thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 3 gây ra, ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau cơn bão và đến thời điểm này, ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai mọi giải pháp, chính sách để chia sẻ giúp vơi đi phần nào những khó khăn mất mát của bà con vùng bão lũ, sớm khôi phục sản xuất, ổn định lại cuộc sống.

Ngân hàng chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng

Cơn bão số 3 đã qua đi nhưng những hậu quả mà nó gây ra đối với các tỉnh thành khu vực miền Bắc rất nặng nề. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Ngoài thiệt hại về người, theo ông Nguyễn Chí Dũng, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, Nhà nước. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi “càn quét” chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng. Quảng Ninh nơi tâm bão đi qua thiệt hại lên tới khoảng 23.770 tỷ đồng. Các hộ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo số liệu của cơ quan này, khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.

Đại diện lãnh đạo Agribank thăm hỏi, động viên khách hàng bị hư hỏng toàn bộ dưa lưới do ảnh hưởng bởi bão số 3

Theo thống kê sơ bộ của NHNN, rất nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, đến thương mại, dịch vụ… ước tính có khoảng 80.000 tỷ đồng dư nợ tại các tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng bởi con bão số 3.

Trước sự thiệt hại nặng nề mà cơn bão số 3 gây ra, ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau cơn bão và đến thời điểm này, ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai mọi giải pháp, chính sách để chia sẻ giúp vơi đi phần nào những khó khăn mất mát của bà con vùng bão lũ, sớm ổn định lại cuộc sống. Ở góc độ cơ quan điều hành,

Để nắm bắt tình hình thiệt hại của ngân hàng, khách hàng do bão số 3 gây ra tại hai tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng, đoàn công tác của NHNN do Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú dẫn đầu đã trực tiếp xuống làm việc tại địa phương này. Qua thông tin và nắm bắt từ thực tế, NHNN đã chỉ đạo NHTM triển khai những chính sách hỗ trợ phù hợp như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi… để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp vay vốn.

Ở góc độ ngân hàng, là những người làm việc trực tiếp với khách hàng, thực sự sau cơn bão số 3 và lũ lụt, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, ngân hàng rất thấu hiểu và chia sẻ với khách hàng. Trong suốt mấy năm qua, sau dịch bệnh Covid rồi đến khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp và người dân đã rất khó khăn. Và sau đợt lũ lụt này, khó khăn sẽ chồng chất lên người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay khi bão giảm cấp độ, Agribank đã thành lập các đoàn công tác đi thực tế các địa phương bị thiệt hại nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn với khách hàng đồng thời chỉ đạo các chi nhánh triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng như miễn, giảm lãi, cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay mới để phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Agribank đang tính toán mức độ thiệt hại của khách hàng để có giải pháp phù hợp. Vì có khách hàng bị thiệt hại toàn bộ, có khách hàng bị thiệt hại một phần… Agribank đang dự kiến ngay trung tuần tháng 9/2024 ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, lũ lụt sau bão với mức độ từ 0,5-2%/năm so với lãi suất đang áp dụng với khách hàng.

Ngoài các chính sách trên, Agribank cũng như nhiều ngân hàng đang áp dụng quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. Việc cơ cấu, gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn giúp khách hàng kéo dài thời hạn cho vay phù hợp với nguồn thu để khách hàng có nguồn thu trả nợ ngân hàng.

"Trong trường hợp bà con đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản nhưng muốn tiếp tục vay thêm khoản mới thì Agribank hoàn toàn có quyền cho vay không có bảo đảm, tất nhiên chúng tôi phải quản lý và có cơ sở về nguồn thu của khách hàng. Mức vay và thời hạn vay chúng tôi sẽ dựa trên tình hình cụ thể, tính khả thi của phương án cho vay và nguồn thu của từng đối tượng để quyết định. Song quan điểm của ngân hàng sẽ làm những gì tốt nhất cho người dân và khách hàng, nhất là nhóm khách hàng bị thiệt hại nặng nề nhất do bão lũ gây ra mới đây ở các tỉnh phía Bắc", bà Bình nhấn mạnh.

Cũng như Agribank, hiện tại nhiều ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất cho cả khách hàng vay cũ và cả vay mới, đồng thời, giãn, hoãn, điều chỉnh kỳ hạn nợ, giúp người vay có thời gian khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Ông Tăng Hoàng Quốc Thái - Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu ACB cho biết, ngân hàng cũng trực tiếp giảm lãi suất từ 1 - 2%/năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng tại các khu vực bị ảnh hưởng bão số 3. Ngoài ra, ngân hàng cũng áp dụng lãi suất khoản vay mới là 6%/năm để khách hàng có cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh sau lũ. “Chúng tôi cũng tiếp tục chờ những thống kê đầy đủ hơn để chúng tôi có phương án tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Thái thông tin thêm.

Tại OCB, ông Lù Duy Nguyên - Phó Giám đốc Khối Bán lẻ - OCB cho biết, ngân hàng sẽ thống kê chi tiết, tùy khách hàng và mức độ thiệt hại ngân hàng sẽ đưa ra những hỗ trợ cụ thể cho từng khách hàng như là giảm lãi, khoanh lãi, hoặc là giãn nợ cho khách. “Chúng tôi luôn tích cực và đồng hành với tinh thần hỗ trợ cao nhất”, ông Nguyên khẳng định.

Cần thêm chính sách đặc thù

Dù các ngân hàng đang vận dụng hết các cơ chế chính sách để hỗ trợ khách hàng, nhưng sau bão lũ chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vấn đề phát sinh, nhất là mức độ thiệt hại của người dân, doanh nghiệp do cơn bão số 3 gây ra rất nặng nề, theo giới chuyên mô cũng như bản thân các ngân hàng mong muốn chắc chắn cần phải có chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Bà Phùng Thị Bình đề xuất, NHNN xem xét điều chỉnh cho phù hợp một số quy định tại Thông tư 02 cho phép những khoản giải ngân sau ngày 24/4/2023 được kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Ngoài nguồn lực của các NHTM, rất cần có chính sách đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ban, ngành như cho phép khoanh nợ, giảm thuế, giãn thuế; hoặc hỗ trợ phí bảo hiểm… để khách hàng vượt qua khó khăn, sớm hồi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tại Hội nghị với các bộ, ngành, địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa mới diễn ra, nhằm mục đích khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu NHNN, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng… hỗ trợ người dân.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc cung cấp dòng vốn tín dụng đúng thời điểm sẽ góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp thiệt hại nặng nề như hiện nay bên cạnh việc ngân hàng xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, các ngân hàng nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với doanh nghiệp với lãi suất 0% sẽ là điểm tựa vững chắc để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao động thái chỉ đạo kịp thời của NHNN. Trong thời gian tới, theo ông Phòng cần tiếp tục duy trì chính sách đó và có thêm khoản tín dụng mới để người dân có thể thay thế trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và có thời gian vừa đủ để người dân tái sản xuất sinh lời, có điều kiện để trả nợ. “Cần có chính sách phù hợp lớn liên quan đến việc giảm các sắc thuế. Nếu có, cần đảm bảo được rằng không gián đoạn việc hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng để nhà sản xuất không đau đáu chuyện trả nợ mà ảnh hưởng đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong doanh nghiệp. “Nếu Nhà nước và nhân dân cùng làm, tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này và có thể duy trì tốt đà tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ về giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau lũ.

Theo Thời báo Ngân hàng

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi