Ngân hàng Nhà nước 5 lần liên tiếp dẫn đầu các Bộ cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính

22/05/2020

Ngày 19/5/2020 tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019. Theo kết quả công bố, Chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đạt điểm cao nhất 95.4/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ 1. Đây là lần thứ 5 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về CCHC trong các Bộ, cơ quan ngang bộ.


Các lĩnh vực cải cách thành phần trong chỉ số Par index của NHNN đạt kết quả tích cực xếp thứ nhất bao gồm: Chỉ số về chỉ đạo điều hành CCHC; Chỉ số về xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế; Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính; Chỉ số cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách công vụ, công chức; Chỉ số hiện đại hóa hành chính. Kết quả điều tra xã hội học đánh giá tác động CCHC, NHNN tiếp tục xếp vị trí thứ nhất và cũng là năm thứ 5 liên tiếp NHNN dẫn đầu chỉ số này. 


Từ nhận thức đến hành động của ngành Ngân hàng trong 10 năm qua


Trong 8 lần đánh giá kết quả thực hiện chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 theo chỉ số Par inex của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu, có thể nói đây là thành tích rất tự hào của ngành Ngân hàng trong những năm vừa qua. Đồng thời theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam luôn có sự cải thiện và duy trì thứ hạng cao so với các quốc gia trên thế giới. Như vậy, có thể khẳng định CCHC đã được NHNN rất chú trọng và triển khai đạt hiệu quả cao. 


CCHC có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, được Chính phủ đặc biệt chú trọng và xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nhận thức sớm yêu cầu CCHC trong ngành Ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với cơ hội và thách thức đan xen, với vị thế của một một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để ngành Ngân hàng hội nhập và phát triển ngang tầm các ngân hàng trong khu vực và thế giới. NHNN đã mạnh mẽ quyết đoán các chương trình CCHC trong từng giai đoạn 5 năm, cũng như hàng năm, lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn. 


Quan điểm của NHNN trong CCHC còn thể hiện một sự nhất quán chặt chẽ giữa các giải pháp cải cách trong hệ thống NHNN và các giải pháp cải cách của hệ thống các TCTD và xác định đây là một nội dung trọng tâm trong chiến lược tái cơ cấu của ngành Ngân hàng. CCHC là cơ hội, yêu cầu tất yếu để từng hệ thống TCTD phát triển, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ, sức cạnh tranh với các ngân hàng trên thế giới. Đồng thời, mọi người dân và doanh nghiệp phải được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại.

Đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm


Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, “Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh 6 lĩnh vực CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng”; “Quan điểm và trọng tâm trong điều hành của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ và đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh tích cực bền vững”.

 
Nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo của NHNN, sự nỗ lực chung trong toàn Ngành, cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước đều đạt được những kết quả rõ nét tích cực. Trong lĩnh vực cải cách thể chế, NHNN đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu về quản lý thị trường vàng, quản lý hoạt động tín dụng, thanh toán của các TCTD... Hoàn thiện khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. 


Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 năm 2009 đến nay, với hơn 80% thủ tục hành chính (TTHC) được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí, đối với tổ chức, cá nhân. Thủ tục của các TCTD cũng được cải tiến, cắt giảm mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

 
Từ kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu và các chương trình cải cách hành chính, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đạt được những lợi ích to lớn, đã thiết lập mối quan hệ cộng sinh hợp tác chặt chẽ, tạo được niềm tin ngày càng vững chắc hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, có chất lượng, được chia sẻ lợi ích, được đồng hành lúc thuận lợi và khó khăn. Về phía các ngân hàng cũng có những bước tiến vượt bậc, tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế cả trong nước và quốc tế.


Đây cũng là nền tảng và điều kiện giúp cho các TCTD hiện nay đã và đang triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để khắc phục hậu quả tác động của dịch Covid 19. Bằng nguồn vốn huy động và nguồn lực tài chính, các TCTD đã hoãn, giãn các khoản nợ vay gốc và lãi đến hạn, tiếp tục cho vay mới duy trì sản xuất, cắt giảm lợi nhuận và chi phí nghiệp vụ để có điều kiện giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong vay vốn kể cả nợ cũ và vay mới.


Những cải cách đồng bộ, liên tục và bền bỉ của NHNN cùng với hệ thống các TCTD trong nhiều năm qua, đã tạo nền tảng kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo đà tăng trường kinh tế ở mức cao, liên tục trong vòng 10 năm qua. 


Định hướng CCHC trong thời gian tới


Về định hướng CCHC, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Hiện nay, NHNN đang tổng tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ và đồng thời cũng đang xây dựng kế hoạch CCHC của Ngành trong 10 năm tới. Quan điểm về cải cách trong 10 năm tới của NHNN sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiêu quả các lĩnh vực CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.


Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Thứ hai, tiếp cận, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa các sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.


Thứ ba tiếp tục cải cách trong toàn Ngành để tăng cường minh bạch, công khai các hoạt động tài chính, quản lý tài chính công, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.


Cuối cùng, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và hệ thống các TCTD nói riêng bằng kết quả của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các chương trình CCHC hiện nay”.

Quang Tùng 

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi