Agribank chung tay hiện thực hóa Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ngành ngân hàng

21/05/2025

Ngày 21/5/2025, Agribank tham dự Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030 và Lễ Công bố Sổ tay Hệ thống quản lý rủi ro về môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức. Tọa đàm dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Việc tham dự tọa đàm thể hiện cam kết mạnh mẽ của Agribank trong việc đồng hành cùng ngành ngân hàng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Lễ Công bố sổ tay Hệ thống quản lý rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế lớn như: Ngân hàng Kiến thức Đức, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính, các Ngân hàng Nhà nước khu vực, các Ngân hàng Thương mại, cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài chính xanh và phát triển bền vững.

Tín dụng xanh trở thành động lực tăng trưởng xanh quốc gia

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Từ năm 2015, NHNN đã tiên phong tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động tín dụng với nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Đặc biệt, năm 2023, NHNN tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động của toàn Ngành triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh giai đoạn 2021-2030 và các Đề án về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam với 7 nhóm nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện cho các đơn vị Vụ, Cục, chi nhánh của NHNN, và các tổ chức tín dụng (TCTD).

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định, sau gần 2 năm triển khai, kế hoạch hành động đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững đã có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, 60% TCTD đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, tích cực huy động nguồn lực tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh; 23 TCTD đã công bố báo cáo phát triển bền vững. Tính đến tháng 3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ xanh (năm 2017 chỉ có 15 TCTD), tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Đến nay đã có 57 TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ 3,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với thời điểm 2017. Nhiều TCTD đã công bố báo cáo phát triển bền vững, tăng tính giải trình và minh bạch, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) phát biểu tại hội nghị

Đánh giá về việc triển khai Kế hoạch hành động, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, thực tế việc triển khai của ngành ngân hàng còn không ít khó khăn. Cụ thể, việc nhiều TCTD chưa thực hiện báo cáo, chưa phát sinh tín dư nợ tín dụng xanh, kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển, do thiếu khung pháp lý về danh mục xanh; công cụ thẩm định rủi ro hạn chế, thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng; việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế cũng còn nhiều hạn chế.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, các yêu cầu ngày càng cao về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định, quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của thế giới.

Gợi ý một số giải pháp trong thời gian tới, TS. Michaela Baur, Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam khuyến cáo, phân loại xanh là yếu tố then chốt để định hướng các dòng vốn hướng tới tăng trưởng xanh và giúp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh toàn cầu. GIZ đang phối hợp cùng NHNN và các bộ ngành xây dựng hệ thống phân loại xanh quốc gia, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt năm 2025.

TS. Michaela Baur, Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam

Agribank nỗ lực chuyển đổi xanh toàn diện

Trong khuôn khổ Tọa đàm, ông Đoàn Ngọc Lưu - Phó Tổng Giám đốc Agribank đã chia sẻ những kết quả nổi bật và định hướng chiến lược trong việc thúc đẩy tín dụng xanh và phát triển bền vững tại Agribank. Ngay sau khi NHNN ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Agribank đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để triển khai trong hệ thống, từ hoàn thiện các khung quy định, thúc đẩy tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường, đến chuyển đổi số và xanh hóa hoạt động vận hành nội bộ.

Về tín dụng xanh, Agribank đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng quy mô lớn, tiêu biểu như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,0%/năm tài trợ dự án đầu tư thuộc các ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh; 50.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; 10.000 tỷ đồng tín dụng xanh dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 3,5%/năm. Agribank cũng là đơn vị chủ lực triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL trong khuôn khổ Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

“Hiện nay, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh tại Agribank ghi nhận mức tăng trưởng ổn định và liên tục. Riêng trong quý I/2025, Agribank tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng trong lĩnh vực xanh, với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ gần 29.300 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt gần 15.400 tỷ đồng, chiếm hơn 52% tổng dư nợ tín dụng xanh; lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt hơn 6.900 tỷ đồng (gần 24%); và lĩnh vực nông nghiệp xanh đạt hơn 6.700 tỷ đồng (trên 23%)” - Phó Tổng Giám đốc ông Đoàn Ngọc Lưu  cho biết.

Ông Đoàn Ngọc Lưu - Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ tại Tọa đàm.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ông Đoàn Ngọc Lưu cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai các hoạt động chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh. Cụ thể, hệ thống khung pháp lý cho tín dụng xanh và trái phiếu xanh hiện còn thiếu đồng bộ; khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế còn hạn chế; trong khi nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về tài chính bền vững vẫn còn khan hiếm.

Tại Tọa đàm, Agribank đã kiến nghị NHNN sớm hoàn thiện quy định về quản lý rủi ro môi trường – xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường phục vụ hoạt động cấp tín dụng, và tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Đồng thời, Agribank đề xuất Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí môi trường và tiêu chí xác định đối với các dự án đủ điều kiện được cấp tín dụng xanh, cũng như xây dựng chính sách khuyến khích đối với các lĩnh vực đáp ứng tiêu chí xanh và các TCTD tham gia cho vay trong lĩnh vực này, đặc biệt là các khoản vay trung và dài hạn.

“Agribank cam kết tiếp tục đồng hành cùng ngành ngân hàng triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030. Trong thời gian tới, Agribank sẽ tăng cường đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm và giải pháp tài chính xanh, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững” - Phó Tổng Giám đốc ông Đoàn Ngọc Lưu  khẳng định.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, NHNN phối hợp cùng IFC đã chính thức công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Sổ tay được xây dựng dựa trên các thông lệ quốc tế, nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội, qua đó góp phần thực hiện các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và thúc đẩy tài chính bền vững tại Việt Nam.

Bà Hà Thu Giang Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN phát biểu tại buổi công bố cuốn Sổ tay

Tại Tọa đàm, các bên liên quan đã khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy tài chính xanh và bền vững trong ngành ngân hàng, từ đó đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bao trùm và bền vững của quốc gia. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp cụ thể nhằm định hướng hoạt động ngân hàng theo hướng tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, NHNN sẽ tăng cường kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước để huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật, cũng như nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tín dụng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.

Agribank News