Bản tin nội bộ Agribank số 98

12/07/2024

1. Agribank tham dự Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Ngày 24/7/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Tham sự Hội nghị có Ban Lãnh đạo NHNN và đại diện các ngân hàng trong đó có Agribank.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, xác định năm 2024 là một năm hành động vượt khó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, ngay từ đầu năm, toàn hệ thống Agribank đã nỗ lực, phát huy tối đa kết quả đã đạt được năm 2023, tập trung tối đa mọi nguồn lực chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến. Trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Cụ thể, Agribank triển khai 14 chương trình/sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới trong đó có 09 chương trình đối với KHCN, 05 chương trình cho KHDN; Tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Agribank đã 04 lần giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.

Một số chương trình tín dụng ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ, NHNN được Agribank triển khai rất tích cực, hiệu quả. Chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng được giải ngân. Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, Agribank cũng là ngân hàng giải ngân nhiều nhất. Cụ thể, đã phê duyệt 11 Dự án Nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ, dư nợ cho vay 657 tỷ đồng; Dự kiến sẽ giải ngân 5 dự án trong thời gian tới với tổng số tiền phê duyệt 1.558 tỷ đồng. Hiện nay đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng ngành Ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức. Hiện thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, có doanh nghiệp được cơ cấu nợ miễn giảm lãi, song không trả nợ cũ, không đủ diều kiện vay vốn, gây sức ép, đòi hạ chuẩn tín dụng, bỏ qua kiểm soát vốn vay… đã ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ ngân hàng vì mang tiếng gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Việc thu hồi và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, một số doanh nghiệp không hợp tác với các TCTD trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ, cá nhân vay tiêu dùng cố tình không trả nợ mặc dù các cơ quan hữu quan đã hỗ trợ triệt phá ổ nhóm tín dụng đen… song kết quả thu hồi nợ rất khiêm tốn.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cũng đặt ra hiện nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật các TCTD năm 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản đảm bảo. Trong khi đó, do tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu nhập của người dân đều giảm sút, khả năng trả nợ suy giảm, thực tế có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao TSBĐ, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, Chủ tịch HĐTV đề nghị các Bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu; trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cần được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Đối với việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, Thống đốc lưu ý các đơn vị chức năng đã tham mưu cho NHNN ban hành nhiều thông tư quan trọng. Vì thế các TCTD cũng cần chú trọng việc phổ biến, quán triệt Thông tư tới toàn hệ thống, đảm bảo thông tư đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu được chính sách. Bản thân TCTD cũng phải căn cứ quy định mới để rà soát, sửa đổi quy trình hoạt động, nghiệp vụ của tổ chức mình sao cho phù hợp.

Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD chú trọng tới việc nâng cao quản trị, điều hành, dự báo từ sớm, từ xa các nguy cơ để đảm bảo an toàn hệ thống. Hoạt động quản trị rủi ro của các TCTD phải bao quát, toàn diện với tất cả các mặt hoạt động. Đối với riêng hoạt động tín dụng, TCTD phải thường xuyên rà soát, đối chiếu để kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo tín dụng an toàn hiệu quả, phối hợp với sở, ban ngành địa pương để nắm bắt thông tin kịp thời...

2. Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với Agribank

Ngày 18/7/2024, Ban Lãnh đạo và đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Chương trình NHNN làm việc với Lãnh đạo chủ chốt Agribank nhằm trao đổi, nắm bắt cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh Agribank, từ đó chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Agribank trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, các nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian qua và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động; Luôn tiên phong, đi đầu, phát huy tốt vai trò chủ đạo trong triển khai các chủ trương, chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, đặc biệt là trong hoạt động cho vay và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn; Là một trong các ngân hàng có tiến độ xây dựng, trình NHNN phê duyệt phương cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sớm nhất. Đến nay, Agribank đã triển khai đồng bộ 11 nhóm mục tiêu, giải pháp và bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực.

Đồng thời, Agribank luôn chú trọng, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán. Bên cạnh đó, Agribank luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ an sinh xã hội theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Công tác quản trị hoạt động, công tác tổ chức, cán bộ, công tác Đảng, đoàn thể… cũng đang được Agribank nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, tập thể lãnh đạo và cán bộ, người lao động Agribank cần tiếp tục nỗ lực, phát huy lợi thế và thành quả đã đạt được để biến thách thức thành cơ hội, không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Thống đốc NHNN nhấn mạnh, Agribank cần tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo NHTM 100% vốn Nhà nước trong việc dẫn dắt thị trường, đi đầu trong thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và của Ngành về tiền tệ, tín dụng và tiếp tục giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, cần có các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để đảm bảo thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao; Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương chủ động nắm bắt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, thực chất; Nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông để truyền tải sâu rộng các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ về tín dụng, lãi suất…

Về công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, Agribank cần triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra và góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trong công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin và hệ thống thanh toán, Agribank cần quan tâm hoàn thiện các quy định, quy trình, thủ tục nội bộ để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thanh toán; Tập trung xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu để bảo đảm hoạt động ngân hàng thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn; Thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với yêu cầu hoạt động (đặc biệt là đối với công tác quản trị rủi ro) và các quy định hiện hành; tập trung nguồn lực hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này; Triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền…

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu toàn hệ thống Agribank bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao sau buổi làm việc, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của NHTM 100% vốn Nhà nước, đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động chung của ngành Ngân hàng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

3. Agribank tích cực triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Chia sẻ tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, Agribank rất tích cực triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Agribank đã phê duyệt cho vay 11 dự án với số tiền là hơn 3.000 tỷ đồng và giải ngân được hơn 600 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 11 dự án với tổng nhu cầu vay khoảng 5.000 tỷ đồng.

Mặc dù rất nỗ lực, lãi suất cho vay chương trình ở mức rất thấp, ngân hàng cho vay lãi suất cho vay gần như không có lãi ở lĩnh vực này, nhưng tiến độ giải ngân gói tín dụng trên vẫn còn thấp. Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết do nhiều địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội. Tính đến nay, chỉ có 34/63 địa phương công bố danh mục. Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được công bố, nhiều dự án không có nhu cầu vay vốn hoặc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý như giải phóng mặt bằng và khởi công, dẫn đến không đủ điều kiện vay vốn.

Những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng đã được phân tích mổ xẻ tại nhiều diễn đàn như yếu tố pháp lý, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp… Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN hàng ngày, hàng giờ theo dõi, đánh giá về tình hình triển khai làm thế nào để tạo điều kiện cho các NHTM giải ngân tốt nhất. 

NHNN đang trình Chính phủ tăng cường ưu đãi cho chương trình này. Cụ thể, đề xuất giảm 3%/năm so với mức lãi suất vay thông thường thay vì chỉ giảm 2% như quy định hiện tại; thời gian điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ thay đổi 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần, thời hạn vay ưu đãi kéo dài từ 3 năm lên thành 5 năm. Mức lãi suất trong 5 năm tiếp theo vẫn tiếp tục được giảm tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế thời điểm đó nhưng sẽ thấp hơn từ 1-2%/năm so với cho vay thông thường để tạo điều kiện, giúp người mua yên tâm để vay vốn. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư được giữ nguyên như hiện tại. “Nếu Chính phủ chấp thuận thì NHNN sẽ triển khai chính sách ưu đãi này cùng với Bộ Xây dựng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm.

Với tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, cùng với những biện pháp và những chương trình hành động hiện nay của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú kỳ vọng từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt được mục tiêu 15% đặt ra từ đầu năm.

4. Agribank dẫn đầu giải ngân chương trình tín dụng ưu đãi lâm, thủy sản

Phát huy vai trò NHTM chủ lực phát triển “Tam nông”, nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã giải ngân 7.183 tỷ đồng tới hơn 5.000 lượt khách hàng. Trong đó, 5.539 tỷ đồng dành các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực thủy sản và 1.644 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản.

Agribank triển khai chương trình với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn, tài trợ hoạt động lâm nghiệp, hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản và khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản. Song song với ưu đãi về lãi suất, Agribank chủ động miễn giảm phí dịch vụ đối với phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại và một số loại phí dịch vụ khác.

Với quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về phát triển kinh tế lâm, thủy sản và nỗ lực vào cuộc của các NHTM, trong đó có Agribank, sản lượng lâm sản, thủy sản cũng như kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2023.

5. Agribank nhận giải thưởng Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc năm 2023 từ Citibank

Ngày 24/7/2024, trong khuôn khổ Hội thảo Tương lai ngành ngân hàng nằm trong chuỗi sự kiện Citibank’s Financial Institutions Asia Pacific Roadshow 2024 được tổ chức tại Hà Nội, Agribank vinh dự được trao tặng giải thưởng “Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc – STP Excellence Award năm 2023”. Giải thưởng này ghi nhận thành tích vượt trội của Agribank trong xử lý thanh toán quốc tế, nhấn mạnh cam kết của Agribank về sự xuất sắc, hiệu quả và độ tin cậy trong các giao dịch tài chính toàn cầu.

Đối với các khách hàng của Agribank, giải thưởng này có nghĩa là nâng cao niềm tin vào khả năng quản lý các nhu cầu tài chính quốc tế của ngân hàng. Các doanh nghiệp tham gia vào thương mại toàn cầu và các cá nhân thực hiện giao dịch xuyên biên giới có thể tin tưởng vào Agribank để xử lý thanh toán đáng tin cậy và kịp thời, giảm thiểu sự gián đoạn và rủi ro tài chính tiềm ẩn. Sự công nhận từ Citibank cũng giúp Agribank trở thành ngân hàng dẫn đầu trong cộng đồng ngân hàng quốc tế, đặt ra chuẩn mực cho các tổ chức khác. Nó khuyến khích sự cải tiến và đổi mới liên tục trong ngành, thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn về dịch vụ và vận hành.

Nhìn về phía trước, Agribank có kế hoạch tiếp nối thành công này bằng cách khám phá các công nghệ mới như blockchain và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hơn nữa hệ thống thanh toán của mình. Những tiến bộ này hứa hẹn sẽ cách mạng hóa thanh toán quốc tế, khiến chúng trở nên an toàn, hiệu quả và minh bạch hơn. Giải thưởng STP của Agribank từ Citibank là một cột mốc quan trọng nhằm tôn vinh những thành tựu của ngân hàng và tạo tiền đề cho những bước phát triển trong tương lai. Khi bối cảnh tài chính tiếp tục phát triển, Agribank vẫn cam kết dẫn đầu trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán quốc tế đặc biệt, củng cố danh tiếng của mình như một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Lan tỏa những nghĩa cử đẹp vì cộng đồng…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống Agribank đã dành trên 220 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, qua đó thể hiện truyền thống “tương thân tương ái”, nghĩa cử cao đẹp của Ngân hàng vì cộng đồng.

Tích cực hỗ trợ chăm lo cho người nghèo

Agribank luôn là một trong những đơn vị tích cực đồng hành, duy trì các hoạt động tặng quà Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; tích cực tham gia các chương trình: Cả nước chung tay vì người nghèo; Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát động cán bộ, người lao động hưởng ứng tháng cao điểm “Vì người nghèo”... góp phần chăm lo giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Đ/c Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank trao tặng quà của Agribank hỗ trợ hộ cận nghèo, đối tượng chính sách quận Hà Đông (Hà Nội) nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, toàn hệ thống Agribank tích cực triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa và nhân văn, hướng đến những hoàn cảnh yếu thế với hi vọng sẽ khích lệ tinh thần để mọi gia đình được đón Tết sum vầy, ấm áp. Đó là 600 triệu đồng Agribank Tiền Giang dành hỗ trợ 1.200 gia đình nghèo nghèo khó, neo đơn và gia đình chính sách tại địa phương; thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã trao tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa phương với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng; Agribank Khánh Hòa và Agribank Ninh Thuận cũng dành kinh phí 01 tỷ đồng để chung tay hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đón Tết Giáp Thìn…

Tính riêng Tết Giáp Thìn 2024, toàn hệ thống Agribank dành gần 110 tỷ đồng hỗ trợ công tác chăm lo cho người nghèo, các gia đình chính sách trên khắp mọi miền của Tổ quốc với mong muốn mọi người, mọi nhà được đón Tết an vui, trọn vẹn. 

Những ngôi nhà xây bằng tình đoàn kết

Chung tay với Đảng, Nhà nước, thấu hiểu với bà con nhiều năm sinh sống trong những ngôi nhà tạm, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu, toàn hệ thống Agribank đã phối hợp với các cấp chính quyền tại từng địa phương thực hiện hoạt động xây tặng, sửa chữa nhà, chống dột một cách thực chất, hiệu quả.

Đại diện Agribank, Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng trao 10 tỷ đồng tài trợ hoạt động an sinh xã hội làm nhà cho người nghèo, đối tượng chính sách

Hưởng ứng Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, Agribank đã tài trợ 20 tỷ đồng góp phần xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, vì mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Sự ủng hộ này trở thành một ‘điểm sáng’ của Agribank góp sức vào công tác giảm nghèo bền vững; không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân mà còn là động lực để phát huy hơn nữa truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đ/c Phạm Đức Tuấn - Thành viên HĐTV, Chủ tịch Công đoàn Agribank đại diện trao ủng hộ kinh phí làm nhà cho các hộ nghèo tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Bên cạnh “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, trao nhà đại đoàn kết là một trong những việc làm thiết thực của Agribank trong hành trình thiện nguyện dựng xây những mái ấm tình nghĩa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình, Agribank chi nhánh tỉnh An Giang phối hợp với Ban thường trực Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức lễ bàn giao 100 căn nhà đại đoàn kết cho những hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và gia đình chính sách tại các huyện An Phú, Châu Thành, Tịnh Biên và Tri Tôn với tổng kinh phí 05 tỷ đồng; Agribank chi nhánh thị xã Hòa Thành, Tây Ninh phối hợp cùng  Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã Hoà Thành tổ chức trao tặng nhà đại đoàn kết cho 7 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở để có cuộc sống ổn định hơn; Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cũng đã bàn giao 20 căn nhà đại đoàn kết với nguồn kinh phí 3 tỷ đồng tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Agribank bàn giao nhà đoàn kết cho những gia đình khó khăn

Lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp

Cùng các hoạt động tiêu biểu trên, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hỗ trợ đời sống người dân nhất là người nghèo, người yếu thế, xây dựng nhiều chương trình chăm lo thiết thực trên từng lĩnh vực cụ thể như: “Xuân ấm biên cương”, “Thêm con chữ, bớt đói nghèo, “Tiếp sức đến trường”… cùng nhiều chính sách an sinh xã hội khác cũng được thực hiện tốt.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều hoạt động từ thiện mang ý nghĩa như hỗ trợ cho Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; ủng hộ chương trình “nồi cháo thiện nguyện“ tại bệnh viện huyết học và truyền máu Trung ương, trao quà cho bệnh nhân nhi tại Viện Nhi Trung Ương và Khoa nhi - Bệnh viện Bạch Mai; tặng quà cho các gia đình chính sách của quân chủng Hải quân, kết hợp với cục Chính trị - quân chủng Hải quân và nhà máy X28 - quân chủng Hải quân xây nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Hải Dương và Nam Định; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở đất tại Km10+950 huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và các chương trình an sinh xã hội tại Nho Quan - Ninh Bình, Pắc Nặm - Bắc Kạn và Cao Bằng …

Agribank tham gia Chương trình trao tặng sổ BHXH và thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đăk La (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum)

Đồng hành cùng Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn do BHXH Việt Nam phát động, Agribank phối hợp cùng BHXH Việt Nam trao tặng 675 sổ BHXH và 4930 thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. là hoạt động an sinh thiết thực, góp phần cải thiện chất lượng đời sống người có hoàn cảnh khó khăn, để bà con được chăm sóc y tế khi ốm đau, được đảm bảo thu nhập khi hết tuổi lao động, hỗ trợ kinh tế người thuộc hộ nghèo và cận nghèo trên cả nước; đồng thời hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng phát động và chung tay cùng ngành BHXH thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước “BHXH, BHYT toàn dân” với kế hoạch đến năm 2030 sẽ phổ cập toàn dân tham gia BHYT và đạt 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Tài trợ cho giáo dục là một trong những nội dung quan trọng trong công tác an sinh xã hội của Agribank. Thấu hiểu những khó khăn trong công tác dạy và học của Trường mầm non Trần Văn Ơn, huyện Châu Thành do cơ sở vật chất xuống cấp, Agribank đã quyết định tài trợ kinh phí xây dựng trường với số tiền 07 tỷ đồng như một sự ủng hộ, chia sẻ với những khó khăn của địa phương và ngành giáo dục. Đây là món quà chứa đựng tình cảm chân thành của Ban lãnh đạo và toàn thể người lao động Agribank, là hành động thiết thực đồng hành cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội đồng thời là việc làm thiết thực góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Agribank thăm và tặng quà cho thương binh và gia đình chính sách tại tỉnh Long An

Cùng với đó, để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, chia sẻ những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra, cứ đến tháng bảy hàng năm, cán bộ và người lao động Agribank lại chung tay tổ chức nhiều hoạt động tri ân những người có công với nước: hăm hỏi, tặng quà các Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, người có công với cách mạng tại Lạng Giang - Bắc Giang; Kim Bảng, Duy Tiên - Hà Nam; Sầm Sơn - Thanh Hóa; Long Đất - Bà Rịa Vũng Tàu; Thuận Thành - Bắc Ninh; Vũ Thư - Thái Bình; dâng hương tại các Khu nghĩa trang liệt sỹ, tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh; tổ chức lao động, cắt cỏ, dọn dẹp, chỉnh trang và quét sơn các phần mộ liệt sĩ trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ…Những hoạt động ý nghĩa này, Agribank  đã góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào truyền thống quê hương cách mạng và trách nhiệm của mỗi người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người lao động Agribank đến thăm hỏi, động viên các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn TP Hà Nội

Không chỉ là một Ngân hàng có vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, tiền tệ, hỗ trợ phát triển "Tam nông", đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, Agribank còn đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với các hoạt động an xinh xã hội thông qua công tác đồng hành cùng các sự kiện quan trọng của, ý nghĩa quốc gia. Đó là chương trình “Lễ hội vì hòa bình” tại Quảng Trị năm 2024, chương trình “Hoa Tháng bảy,  “Giữ trọn lời thề” … và nhiều chương trình khác. Các chương trình này là dịp để Agribank bày tỏ sự tri ân đối với các bậc lãnh đạo tiền bối, những anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh, những thương bệnh binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tính đến tháng 6/2024, Agribank đã ủng hộ hơn 220 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội khắp các địa phương trên cả nước, trong đó, tính riêng kinh phí dành cho hoạt động xây nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết trên 46 tỷ đồng, kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục là 47 tỷ đồng, lĩnh vực y tế trên 13 tỷ đồng...

Đẩy mạnh phát triển văn hóa doanh nghiệp trong Agribank

Năm 2024 là giai đoạn có sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác triển khai văn hóa doanh nghiệp (VHDN) của Agribank theo hướng tăng cường tính quản trị ngày càng chuyên nghiệp và đổi mới. Những thay đổi này đã xác định rõ vị trí, vai trò, quan trọng của VHDN là nền tảng cho sự phát triển bền vững, đưa Văn hóa Agribank trở thành nguồn sức mạnh nội sinh tạo ra những tác động mạnh hơn cho hoạt động kinh doanh và đổi mới quản trị, làm rõ nét hơn bản sắc văn hóa Agribank.

Để cụ thể các nhiệm vụ trên Agribank đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, triển khai VHDN trong Agribank trong đó có Hướng dẫn 8823A/NHNo-TTh ngày 02/7/2024 về thực hiện Kế hoạch triển khai các Nghị quyết chuyên đề về truyền thông nội bộ, văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng, hình ảnh thương hiệu Agribank.

                   Tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ gắn với công tác chính trị, tư tưởng và                               xây dựng văn hóa Agribank

Đối với việc triển khai các chương trình, hoạt động gắn kết nội bộ

- Các đơn vị nghiêm túc thực hiện Kế hoạch truyền thông (bao gồm truyền thông nội bộ) và Kế hoạch triển khai các chương trình/sự kiện theo định hướng của Agribank, đồng thời chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông/chương trình/sự kiện của đơn vị.
- Kịp thời chuyển tải thông tin về Agribank, nhất là chủ trương, cơ chế chính sách, tăng cường tương tác trao đổi thông tin nhiều chiều để cán bộ người lao động am hiểu, đồng thuận, quyết tâm trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
- Chú trọng tổ chức các hoạt động gắn kết, thi đua, lan tỏa niềm tự hào, phát huy tinh thần cống hiến của cán bộ người lao động vì “Agribank - Tốt hơn mỗi ngày”, Agribank phát triển bền vững.
- Quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, người lao động được học tập, nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng ứng xử giao tiếp, giới thiệu quảng bá SPDV, lan tỏa hình ảnh thương hiệu và văn hóa Agribank; khuyến khích cán bộ, người lao động phát huy tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu phục vụ công việc.

Đẩy mạnh đổi mới phương thức, hoạt động truyền thông nội bộ

Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, chuyên nghiệp, phong phú về nội dung, hình thức truyền thông nội bộ; mở rộng các kênh thông tin, ứng dụng các giải pháp về công nghệ trong hoạt động truyền thông nội bộ

- Phát triển đa dạng hình thức truyền thông, phong phú về nội dung thông tin chuyển tải; thực hiện “số hóa” các kênh truyền thông nội bộ để đơn giản hóa và giảm thiểu tối đa thời gian tìm kiếm, truy xuất dữ liệu thông tin đối với người tiếp nhận thông tin là cán bộ, người lao động.
- Tối ưu hóa tốc độ truyền tải thông tin đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời của cán bộ, người lao động. Đồng thời quan tâm đến sự tương tác, phản hồi thông tin giữa các cấp lãnh đạo và cán bộ, người lao động.
- Các đơn vị chủ động tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, người lao động truy cập Phòng Truyền thống số Agribank trên máy tính tại địa chỉ đường dẫn: https://truyenthong.agribank.com.vn/ hoặc tải ứng dụng “Agribank History” trên thiết bị di động, góp phần lan tỏa giá trị truyền thống, văn hóa Agribank tới các thế hệ cán bộ, người lao động trong hệ thống.

Quan tâm bố trí nguồn lực đối với công tác truyền thông nội bộ

- Dành sự quan tâm bố trí nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất… đối với công tác truyền thông nội bộ, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, vai trò công tác thi đua khen thưởng trong việc động viên, khuyến khích cán bộ, người lao động tăng năng suất, hiệu quả công việc.
- Xây dựng không gian văn hóa nơi làm việc gắn với nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, người lao động, đồng thời hiện thực hóa cam kết của Agribank trong thực thi ESG.
- Thực hiện đánh giá thực trạng, mức độ hiệu quả của truyền thông nội bộ gắn với công tác tự kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại (nếu có).

Truyền thông nội bộ góp phần tạo không khí thi đua lao động sôi nổi trong toàn hệ thống

Tăng cường lãnh đạo phát triển và thực hiện văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu Agribank

Đối với việc đào tạo, tập huấn về VHDN cho toàn thể cán bộ, người lao động

-  Xây dựng bộ đề thi có nội dung về VHDN cho Hội thi Cán bộ Agribank  Tài năng - Thanh lịch năm 2024. 
- Đào tạo, tập huấn về vai trò và trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và thực hiện VHDN cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Ban, Trung tâm Trụ sở chính, Giám đốc các chi nhánh; Đề cao vai trò dẫn dắt, nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý (lồng ghép thực hiện tại các Hội nghị chuyên đề, Hội nghị truyền thông).
- Tổ chức các chương trình đào tạo cho cán bộ phụ trách truyền thông, cán bộ làm công tác VHDN.
- Đưa nội dung về VHDN, Văn hóa Agribank vào các lớp đào tạo cán bộ mới của Agribank.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và triển khai áp dụng các sáng kiến, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng...

Đối với việc ban hành các quy định nội bộ về thực hiện VHDN

- Ban hành Quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ Agribank.
- Nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng Chiến lược phát triển thương hiệu Agribank, Kế hoạch/giải pháp phát triển VHDN .
- Bổ sung nội dung thực hiện VHDN vào Thỏa ước lao động tập thể. 
- Hướng dẫn về tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện…

Mỗi cán bộ cùng chung tay xây đắp nên một bản sắc văn hóa đặc trưng của Agribank

Đối với việc phát động phong trào thi đua, tổ chức các cuộc thi thúc đẩy phát triển VHDN 

- Tổ chức Hội thi Cán bộ Agribank Tài năng - Thanh lịch năm 2024 
- Tổ chức các chiến dịch hưởng ứng thực hiện VHDN trong đoàn viên thanh niên: Trao nụ cười, Đại sứ thương hiệu…
- Tăng cường các sản phẩm lan tỏa thương hiệu trong các sự kiện Agribank tham gia tài trợ.
- Tổ chức các hoạt động gắn kết nội bộ, gắn kết cộng đồng lan tỏa hình ảnh, văn hóa Agribank: Giải chạy “Agribank - Vì tương lai Xanh”; Chương trình trồng cây “Vì một Việt Nam Xanh”; Cuộc thi ảnh về Agribank…
- Tổ chức tuyên dương con cán bộ, người lao động Agribank đạt thành tích các giải quốc gia, quốc tế.
-  Gặp mặt tôn vinh, tri ân các thế hệ người lao động Agribank trước khi nghỉ hưu.
- Tham gia Diễn đàn “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa thời kỳ hội nhập”; tham gia giải thưởng “Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu thời kỳ hội nhập”; tham gia giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng VHDN; Tham gia giải thưởng “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh”.

Kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong triển khai và thực hiện VHDN

- Thực hiện kiểm tra chuyên đề về triển khai và thực hiện VHDN.
- Tiếp tục triển khai chương trình Khách hàng bí mật để phát hiện, đánh giá và kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi không chuẩn mực của cán bộ Agribank.
- Phổ biến, quán triệt tăng cường ý thức tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm túc quá trình tự kiểm tra, giám sát tại các đơn vị về triển khai, thực hiện VHDN gắn với thực hiện văn hóa kinh doanh, quy định về chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của người lao động. 
- Báo cáo trực tiếp, độc lập, kịp thời cho các cấp có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của các cá nhân, bộ phận trên nguyên tắc đảm bảo bảo mật thông tin và bảo vệ người cung cấp thông tin.

Công tác thực hiện và triển khai văn hóa doanh nghiệp được quan tâm đẩy mạnh trong toàn hệ thống

Đối với công tác thi đua, khen thưởng 

- Xây dựng, triển khai chính sách đãi ngộ đối với người lao động, cải thiện và nâng cao thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp của toàn thể cán bộ trong hệ thống (gắn với đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng…)

Các công việc khác liên quan thúc đẩy phát triển VHDN, thương hiệu

- Thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở 
- Bảo đảm các nguồn lực (nhân sự, ngân sách, cơ sở vật chất...) cho đầu tư phát triển VHDN, thương hiệu. 
- Xây dựng Chuyên mục về VHDN trên Website của Agribank.
- Thực hiện ESG trong mọi hoạt động của Agribank.
- Tăng cường công tác truyền thông nội bộ và bên ngoài lan tỏa các giá trị VHDN gắn quảng bá thương hiệu Agribank .
- Tiếp tục rà soát, quy hoạch hoạt động quảng cáo, công tác thương hiệu trên toàn hệ thống; Nghiên cứu ban hành bộ nhận diện thương hiệu cho từng đối tượng khách hàng (triển khai trước đối với khách hàng Priority).
- Tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ngân hàng trong và ngoài Khối Doanh nghiệp Trung ương có mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác xây dựng và phát triển VHDN, phát triển thương hiệu.

Hướng dẫn 8823A/NHNo-TTh ngày 02/7/2024 được ban hành trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 3307/NHNo-TTh ngày 20/3/2024 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về “Tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ gắn với công tác chính trị, tư tưởng và xây dựng văn hóa Agribank”; Kế hoạch số 15980/NHNo-TTh ngày 25/12/2023 về Kế hoạch triển khai Chương trình hành động, Nghị quyết về “Tăng cường lãnh đạo phát triển và thực hiện văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu Agribank” và các Kế hoạch, văn bản liên quan. Việc thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn sẽ hướng đến những thay đổi có tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và các mặt hoạt động: Phong cách lề lối làm việc văn minh, hiện đại và từng bước chuyên nghiệp, đổi mới về chiều sâu chất lượng và hiệu quả; hoạt động kinh doanh dịch vụ khách hàng có sự nâng tầm với sự thay đổi về nhận thức và tư duy từ gốc rễ là văn hóa kinh doanh; trong công tác quản trị, việc hội họp, hệ thống báo cáo công việc, việc quản trị đánh giá công việc và con người từng bước số hóa tạo nên diện mạo, phong cách làm việc mới mẻ và hiệu quả; công tác quản trị, đào tạo phát triển con người, hình ảnh, nhận diện thương hiệu tạo được ấn tượng trong lòng khách hàng, góp phần nâng cao uy tín Agribank và sự đồng thuận của cộng đồng và xã hội.

Agribank News

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiSđt tiếp nhận: 1900558818/024.3205.3205 để nhận được hỗ trợ
Sđt gọi ra: 024.2233.2345/037.353.2345/037.348.2345/037.346.2345
Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi