Web Content Viewer
- Mở tài khoản tại Agribank
- Vay vốn tại Agribank
- Thẻ của Agribank
- Chuyển tiền tại Agribank
- Lãi suất tiền gửi, tiền vay của Agribank
- Chuyển tiền quốc tế Agribank
- Mobile Banking
- Internet Banking
- Khuyến mãi, ưu đãi của Agribank
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Biểu mẫu đăng kí
- Biểu phí dịch vụ
- Công cụ tính toán
- Hỏi đáp
- Liên hệ
- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
- Tỷ giá ngoại tệ
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Đăng nhập Ngân hàng trực tuyến
Tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát
11/02/2025
Đó là nội dung trọng tâm được họp bàn tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại diễn ra sáng ngày 11/02/2025 tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, nhằm đưa ra các giải pháp để tạo động lực tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tham dự Hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, Ngành. Về phía ngành Ngân hàng có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, các Phó Thống đốc NHNN, lãnh đạo một số Vụ, Cục đơn vị liên quan, Lãnh đạo các ngân hàng thương mại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp của ngành Ngân hàng trong thành công chung của đất nước trong năm 2024 vừa qua, chính sách tiền tệ giống như huyết mạch của nền kinh tế đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế đạt được kết quả ấn tượng. Ngành Ngân hàng trong đó có các ngân hàng thương mại đã không ngừng nỗ lực, trong khó khăn cùng đất nước vượt qua thử thách. Thủ tướng cũng biểu dương và ghi nhận đóng góp của các ngân hàng thương mại trong tiến trình phát triển của đất nước trong thời gian vừa qua.
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2025 là năm tăng tốc để về đích, phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Từ đầu năm tới nay, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, có tác động đến nhiều chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ. Xác định đây là năm có nhiều thách thức, tuy nhiên Thủ tướng cũng nhấn mạnh có không ít thời cơ, thuận lợi. Vì vậy lãnh đạo Chính phủ mong muốn ngành Ngân hàng sẽ dùng tiềm năng của mình để biến thuận lợi thành xung lực, động lực phát triển đất nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ biến động kinh tế thế giới và trong nước, nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của Chính phủ, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đạt nhiều thành công với toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút vốn FDI. Đóng góp vào thành tựu chung này, ngành Ngân hàng đã cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, bám sát diễn biến tình hình, chủ động điều hành các công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ với thời điểm, liều lượng hợp lý nên đã đạt các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát bình quân đạt 3,63%, củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng 7,09%, cao hơn nhiều nước trên thế giới và khu vực. NHNN tiếp tục chủ động điều hành lãi suất ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, NHNN kịp thời chỉ đạo hệ thống TCTD triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng. Song song với đó, tích cực tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Các chương trình, chính sách tín dụng được NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt; một số chương trình rất hiệu quả được mở rộng và nhiều lần được nâng quy mô. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhất là sau cơn bão số 3 đã được đẩy mạnh triển khai trên tinh thần đồng hành giữa ngành Ngân hàng và người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Việc tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục triển khai quyết liệt, tích cực xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là NHNN đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 04 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Các NHTM nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính và kinh doanh có lãi.
Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động của TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, với Luật TCTD được ban hành đầu năm 2024, trong một thời gian ngắn, NHNN đã khẩn trương ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, Quyết định quy định, hướng dẫn thi hành đồng bộ từ 01/7/2024, trong đó quy định về ứng dụng chuyển đổi số tạo điều kiện cho hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử...
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các ngân hàng đã báo cáo về kế hoạch kinh doanh, các giải pháp triển khai cũng như đề xuất cơ chế chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, phát huy vai trò NHTM 100% vốn Nhà nước, chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiên phong, gương mẫu triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Kết thúc năm 2024, Agribank hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh được NHNN giao, là năm đạt kết quả cao nhất sau 04 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, trong đó tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (tăng gần 10%), huy động vốn vượt mốc 2 triệu tỷ đồng (tăng 7,6%), tín dụng đạt 1,72 triệu tỷ đồng (tăng 170 ngàn tỷ đồng, tương đương 11%). Nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2024 đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, Agribank được Quốc hội, Chính phủ cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, góp phần nâng cao năng lực tài chính.
Dự báo năm 2025 là một năm đầy biến động với sự thay đổi về chính sách, quan hệ thương mại của các nước lớn trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó yếu tố tỷ giá và lãi suất sẽ tạo những ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngân hàng, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong năm 2025, Agribank đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025, tiếp tục cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng với mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng trưởng 13%).
Ngoài đối tượng truyền thống là nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Agribank sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm đầu tư phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt..., các dự án năng lượng tái tạo. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, cho vay lĩnh vực lâm thủy sản, Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030...
Cùng với đó, Agribank sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời chủ động tiết giảm chi phí hoạt động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế. Ngay đầu năm 2025, Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất thông thường để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả.
Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng phát biểu tại Hội nghị
Để hỗ trợ Agribank hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và hoạt động kinh doanh trong năm 2025 và các năm tiếp theo, đóng góp mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng đã đề ra một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban Ngành giải quyết, tháo gỡ.
Với định hướng tín dụng ngành Ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng. Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000 - 17.000 tỷ đồng vốn tự có. Tổng Giám đốc Agribank kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các NHTM có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025 để Agribank có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các dự án trọng điểm, dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp...
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126 năm 2017, Nghị định 140 năm 2020 liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật đất đai năm 2024 và Nghị định 03 năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) để tháo gỡ các khó khăn cho Agribank có thể sớm cổ phần hóa.
Mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong bối cảnh chỉ còn 01 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp nhiều thách thức. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành Ngân hàng cũng như Agribank hiện còn chưa được luật hóa đầy đủ. Agribank kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu…
Cũng tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai có hiệu quả các Đề án trọng điểm về phát triển một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội theo chủ trương Chính phủ.
AgribankNews
Các tin khác
- Tuần lễ Văn hóa Agribank năm 2025: Lan tỏa giá trị, kết nối sức mạnh, vững bước tương lai
- Về Quảng Trị ca 'Khúc khải hoàn'
- Tổng Giám đốc Agribank làm việc với các Chi nhánh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
- Triển khai đồng bộ giải pháp hoàn thành chỉ tiêu xử lý, thu hồi nợ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Agribank và Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đẩy mạnh cho vay sản xuất, kinh doanh lúa gạo
- Agribank tự hào 9 lần liên tiếp đồng hành xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột
- Agribank và Sun Group tăng cường quan hệ hợp tác cùng phát triển
- Agribank tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Kiểm toán nội bộ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và tập huấn nghiệp vụ
- Agribank đồng hành cùng Festival nghề Muối Việt Nam và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2025