Web Content Viewer
- Mở tài khoản tại Agribank
- Vay vốn tại Agribank
- Thẻ của Agribank
- Chuyển tiền tại Agribank
- Lãi suất tiền gửi, tiền vay của Agribank
- Chuyển tiền quốc tế Agribank
- Mobile Banking
- Internet Banking
- Khuyến mãi, ưu đãi của Agribank
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Biểu mẫu đăng kí
- Biểu phí dịch vụ
- Công cụ tính toán
- Hỏi đáp
- Liên hệ
- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
- Tỷ giá ngoại tệ
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Đăng nhập Ngân hàng trực tuyến
Đảng ủy Agribank tăng cường lãnh đạo, nâng cao chất lượng công tác tín dụng, xử lý và thu hồi nợ
16/04/2025
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng quyết định hoàn thành phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tín dụng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành Agribank chỉ đạo sát sao nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phát huy trách nhiệm của ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Triển khai hiệu quả hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng
Tính đến cuối Quý I/2025, các chỉ tiêu kinh doanh của Agribank đạt kết quả khá tích cực, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, nguồn vốn. Tính bình quân giai đoạn tái cơ cấu 2021-2024 và Quý I/2025, các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản đảm bảo tiến độ và khả năng thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại đã được Thống đốc NHNN phê duyệt. Trong đó, nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng đều trong 3 tháng đầu năm, mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024 và đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Đến 31/3/2025, tổng nguồn vốn huy động đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ khách hàng pháp nhân tăng trưởng qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 4,7% hàng năm, dư nợ xử lý rủi ro qua các năm tăng dần từ năm 2020- 2024 cho thấy quyết tâm trong công tác cơ cấu lại nền khách hàng pháp nhân.
Đồng chí Phạm Toàn Vượng - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý nợ có vấn đề Trụ sở chính
Song song tăng trưởng tín dụng, Agribank đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp kiểm soát, xử lý thu hồi nợ xấu. Đến 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo Thông tư 31 là 1,55%, giảm so đầu năm và thấp hơn kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao (dưới 2%). Đáng chú ý trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu thì Agribank tăng 1,2% so với đầu năm ở mức 131,1%, tạo bộ đệm dày dặn hơn giúp ngân hàng chủ động ứng phó khi rủi ro phát sinh.
Agribank tiếp tục triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Agribank thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay, nghiêm túc công khai lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; triển khai 17 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng quy mô 457.000 tỷ đồng đối với các đối tượng khách hàng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2024 cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm 2023.
Năm 2025, ngay từ đầu năm, Agribank đã triển khai rất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với tổng quy mô 320.000 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Agribank dành hơn 210.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi cùng nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ, áp dụng từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Có thể kể đến chương trình tín dụng 5.000 tỷ đồng và 100 triệu USD thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp FDI; 35.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; 80.000 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn tài trợ hoạt động của các doanh nghiệp lớn; 60.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và 30.000 tỷ đồng vốn trung dài hạn tài trợ doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư.
Đối với khách hàng cá nhân, Agribank cũng đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với tổng quy mô trên 110.000 tỷ đồng, dành cho khách hàng vay tiêu dùng hỗ trợ nhu cầu đời sống, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và hướng đến tín dụng xanh.
Vừa mới đây, Agribank tung ra thị trường gói giải pháp tài chính toàn diện trị giá 10.000 tỷ đồng thông qua chương trình cho vay ưu đãi mua nhà dành cho khách hàng trẻ tuổi, giúp người trẻ quản lý tài chính, hiện thực hoá mong muốn sở hữu ngôi nhà ước mơ, ổn định cuộc sống.
Kết quả trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn, quyết liệt của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Agribank trong chỉ đạo, điều hành, cùng sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động; tầm nhìn, tư duy nhạy bén, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể Ðảng ủy, Ban lãnh đạo Agribank; cùng với đó là sự tin tưởng, ủng hộ của các cấp, ban ngành, đoàn thể, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Tập trung tăng trưởng tín dụng gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng
Agribank luôn coi công tác kiểm soát chất lượng nợ và xử lý, thu hồi nợ là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển ngân hàng. Hàng năm, Agribank đã chủ động thực hiện rà soát định kỳ danh mục khách hàng để nhận diện dư nợ tiềm ẩn rủi ro, dư nợ cảnh báo nợ xấu, qua đó chỉ đạo chi nhánh xây dựng lộ trình thu hồi nợ đến từng khách hàng, chủ động áp dụng nhiều biện pháp xử lý nợ phù hợp; bảo đảm thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật, duy trì bộ đệm dự phòng tốt với tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu.
Xuất phát từ những thực trạng của công tác tín dụng trong thời gian qua, Đảng ủy Agribank đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/ĐU-NHNo ngày 29/11/2021 về "Tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý và thu hồi nợ có vấn đề". Theo đó, hàng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm, xác định rõ "Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp kiểm soát nợ tiềm ẩn, phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro". Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm trước, bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh để xây dựng nghị quyết công tác, kế hoạch/chương trình hành động, chương trình kiểm tra, giám sát phù hợp.
Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng vốn ưu đãi góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sau khi Nghị quyết số 06 ban hành, việc lãnh đạo nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý và thu hồi nợ có vấn đề của Đảng ủy đã được các cấp ủy đảng quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện, tạo được sự chuyển biến tích cực làm thay đổi rõ rệt trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động tại các đơn vị; nâng cao và phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp cùng cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, đơn vị, Công đoàn, Đoàn Thanh niên triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
Hội đồng thành viên, Ban điều hành đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 06 để lãnh, chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp Nghị quyết đề ra. Bên cạnh các văn bản nghiệp vụ, Agribank đồng thời ban hành văn bản quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ, quán triệt, chấn chỉnh, giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ, đồng thời tác động tích cực đến nhận thức, hành vi chấp hành các quy định, quy trình nghiệp vụ… của cán bộ, đảng viên, người lao động, từ đó giúp nâng cao chất lượng công tác tín dụng, tích cực xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro.
Công tác xử lý nợ xấu được triển khai rất chủ động, tập trung nỗ lực với quyết tâm cao. Cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, đồng bộ các giải pháp tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ có vấn đề như rà soát các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02; xây dựng phương án thu hồi, xử lý nợ xấu; thành lập Ban Chỉ đạo xử lý nợ Trụ sở chính và chi nhánh; thành lập các Tổ chuyên trách hỗ trợ xử lý nợ đối với một số nhóm khách hàng liên quan; đẩy mạnh bán nợ theo giá trị thị trường; kịp thời triển khai cơ chế thi đua khen thưởng trong xử lý, thu hồi nợ XLRR, tạo động lực trong hoạt động kinh doanh... Hàng loạt các chương trình làm việc, Hội nghị tập huấn,… được tổ chức cho thấy sự quyết tâm rất lớn của Agribank trong việc kiểm soát nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Agribank tập trung, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Đảng ủy Agribank đã ban hành Chương trình số 43-CTr/ĐU về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng. Thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ, phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán để phát hiện sớm và ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật, hành vi tham nhũng trong hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm cán bộ, lãnh đạo vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật kinh doanh trong toàn hệ thống. Việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, ngừa và phối hợp phòng ngừa sai phạm trong lĩnh vực tín dụng được thực hiện thường xuyên, góp phần giữ vững ổn định hoạt động tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ của Ngân hàng, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách thiết thực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm các quy định, quy trình từ khâu tuyển dụng, đến sắp xếp vị trí việc làm, luân chuyển cán bộ quản lý và điều chuyển vị trí công tác định kỳ đối với những vị trí nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhằm hạn chế sai phạm, tiêu cực có thể phát sinh. Duy trì thường xuyên công tác tự kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí; kiên quyết loại khỏi ngành những cán bộ, nhân viên tha hóa, có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chất lượng tín dụng đã được cải thiện, việc xử lý và thu hồi nợ có vấn đề đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, theo đúng quy định của NHNN. Kết thúc năm 2024, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31 là 1,55% (đạt dưới 2%), toàn hệ thống đã thu hồi được 11.662 tỷ đồng nợ XLRR , hoàn thành kế hoạch giao. Trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) kịp thời, đúng quy định, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến 31/12/2024 bằng nguồn DPRR tín dụng là 131,5%. Trích lập DPRR năm 2024 vượt kế hoạch NHNN giao.
Agribank sẵn sàng cung cấp đầy đủ sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng
Năm 2025 dự báo là một năm đầy biến động với sự thay đổi về chính sách, quan hệ thương mại của các nước lớn trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025, tiếp tục cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng với mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng trưởng 13%).
Thể hiện quyết tâm và trách nhiệm cùng ngành Ngân hàng góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 8% trở lên trong năm 2025, toàn hệ thống Agribank tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiên phong, gương mẫu triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; khẳng định vị thế, vai trò ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Bùi Quy – Ban Tuyên giáo Đảng ủy
Các tin khác
- Đảng bộ Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
- Đảng ủy Agribank phát động hưởng ứng Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Năm, năm 2025
- Đảng bộ Agribank tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội các chi, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030
- Đảng ủy Agribank tăng cường lãnh đạo, nâng cao chất lượng công tác tín dụng, xử lý và thu hồi nợ
- Đảng ủy Agribank tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Triển khai Đại hội các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc: Bước chuẩn bị quan trọng hướng tới Đại hội Đảng bộ Agribank lần thứ XI
- Đại hội Đại biểu Đảng bộ Agribank Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030 thành công tốt đẹp
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Agribank sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2025
- Đảng ủy Agribank khai giảng Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới năm 2025
- Đảng bộ Agribank chi nhánh tỉnh Nghệ An tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ X nhiệm kỳ 2025-2030