Web Content Viewer
Actions- Mở tài khoản tại Agribank
- Vay vốn tại Agribank
- Thẻ của Agribank
- Chuyển tiền tại Agribank
- Lãi suất tiền gửi, tiền vay của Agribank
- Chuyển tiền quốc tế Agribank
- Mobile Banking
- Internet Banking
- Khuyến mãi, ưu đãi của Agribank
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Biểu mẫu đăng kí
- Biểu phí dịch vụ
- Công cụ tính toán
- Hỏi đáp
- Liên hệ
- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
- Tỷ giá ngoại tệ
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Đăng nhập Ngân hàng trực tuyến
Gia tăng nguồn vốn thúc đẩy hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh
02/05/2024
Sáng 23/4/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”.
Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”
Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể và đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; đại diện các Ngân hàng thương mại; đại diện một số Hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX; các chuyên gia, nhà khoa học… Đồng chí Hoàng Minh Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Agribank đại diện tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTXVN Cao Xuân Thu Vân cho biết, trong những năm qua, HTX tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần được quan tâm. Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm tập trung thảo luận, giải quyết 03 nhóm vấn đề: Một là, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Hai là, đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Cuối cùng, đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.
Tại Hội thảo, Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, để hỗ trợ HTX, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, HTX, liên hiệp HTX được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đ/c Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể và Đ/c Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đồng chủ trì Hội thảo
Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Minh Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, trong suốt hành trình phát triển, với sứ mệnh “Tam nông”, Agribank luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung. Agribank đã ban hành quy chế về tín dụng riêng cho HTX, trong đó đặc biệt dành nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng là HTX. Quy định rõ mức tín dụng không đảm bảo tài sản: tối đa 01 tỷ đồng đối với HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 02 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Đối với HTX, liên hiệp HTX vay theo mô hình liên kết, ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank nơi cho vay xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. HTX, liên hiệp HTX đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank nơi cho vay xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết...
Đ/c Hoàng Minh Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Agribank đại diện tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo
Mặc dù vậy, trên thực tế, việc cấp tín dụng cho các hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tập thể còn gặp khá nhiều khó khăn. Đa số các HTX chưa có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng, kho chứa đủ khả năng bảo quản; trình độ lao động, trình độ quản lý còn yếu; chưa đáp ứng về vốn đối ứng và hệ thống báo cáo tài chính chưa hoàn thiện. HTX có ít vốn đầu tư công nghệ và chưa có đầu ra bao tiêu sản phẩm nên bị cạnh tranh mạnh từ khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, lĩnh vực hoạt động còn hẹp, nhất là các HTX nông nghiệp, chủ yếu thực hiện một số dịch vụ đầu vào đơn giản cho sản xuất nông nghiệp, chưa hỗ trợ cho việc gia tăng sản lượng và giá trị của sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các HTX cũng thường không có tài sản bảo đảm để vay vốn hoặc thế chấp bằng tài sản của xã viên nên việc xử lý tài sản bảo đảm khi cần thiết gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện được Chiến lược với mục tiêu phát triển hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, Agribank đề xuất Ngân hàng Nhà nước kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan một số giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đề nghị địa phương có giải pháp hỗ trợ việc thành lập và phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các ngành các cấp, phối hợp với ngân hàng như Agribank để kết hợp lồng ghép, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các HTX từ đó giúp HTX sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Trong thời gian tới, khi những khó khăn vướng mắc được tháo gỡ, Agribank sẵn sàng đồng hành cùng các HTX, liên hiệp HTX tiếp cận nhiều hơn nữa với vốn tín dụng ngân hàng, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển ổn định kinh tế đất nước.
Năm 2023, dư nợ cho vay HTX tại Agribank đạt 1.693 tỷ đồng, tăng 10%, tương đương 165 tỷ đồng. Trong đó, HTX nông nghiệp 369 tỷ đồng; HTX lâm nghiệp 20,6 tỷ đồng; HTX thủy sản 10,4 tỷ đồng; HTX khai khoáng 44,9 tỷ đồng; HTX công nghiệp chế biến, chế tạo 239,4 tỷ đồng; HTX xây dựng 259,5 tỷ đồng; HTX bán buôn bán lẻ 422,8 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2023, dư nợ cho vay HTX luôn chiếm tỷ lệ từ 0,11% đến 0,12% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, với chất lượng tín dụng khá tốt. |
Agribank News
Các tin khác
- Agribank cùng ngành Ngân hàng cam kết đáp ứng đủ nhu cầu vốn triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao
- Agribank tham gia Hội nghị thế giới do Hiệp hội Ngân hàng Tiết kiệm và Bán lẻ Thế giới (WSBI) tổ chức tại Rome, Ý
- Agribank tham dự Hội nghị Sibos 2024 do Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) tổ chức tại Trung Quốc
- Đẩy mạnh vốn giá rẻ kích cầu tín dụng cuối năm
- Phát huy hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại các TCTD
- Agribank tiếp sức doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh
- Agribank – Thương hiệu mạnh Việt Nam 2024
- Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đất nước phồn vinh
- Agribank cùng ngành Ngân hàng đóng góp tích cực vào Chương trình chuyển đổi số quốc gia
- Chính sách của ngân hàng luôn hướng đến doanh nghiệp, người dân