1900558818 / 02432053205
Đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân
Xây dựng nông thôn mới và câu chuyện về nguồn lực
29/11/2019

Xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình hành động quan trọng nhằm thực thiện mục tiêu Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp nông dân và nông thôn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương, cùng sự nỗ lực của toàn dân, sau gần 10 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của của nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, cả nước đã có 4.655 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 52,4%); có trên 93/644 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Qua thực tế triển khai, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một chương trình ý nghĩa, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở các địa phương, thu hút người dân hăng hái tham gia. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình.

Phần 1: Nông thôn mới thành công nhờ vốn cho vay phát triển nông nghiệp

Nam Định là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới với 100% số xã và 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thành công trong xây dựng nông thôn mới thực sự đã góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao. Trong đó, chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn là một nguồn lực quan trọng giúp người dân nông thôn nâng cao hiệu quả lao động sản xuất và cải thiện cuộc sống hơn nhiều so với trước đây.

“Chủ trương xây dựng nông thôn mới ra đời được coi là một chủ trương rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Với vai trò cho vay vốn của ngân hàng đặc biệt là Agribank Nam Định đã thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, người dân có điều kiện để tham gia đóng góp xây dựng các cơ sở hạ tầng cũng như các thiết chế của nông thôn. Chúng tôi luôn xác định, dân có có giàu thì nước mới mạnh. Dân có bát ăn bát để thì thì mới phát triển được kinh tế thì mới có điều kiện để đóng góp. Hiện nay trên địa bàn Nam Định này hầu như xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông thôn đều của người dân đóng góp là chủ yếu” - Ông Triệu  Đình Vỵ Phó Giám đốc Agribank Nam Định cho biết.

Trải qua 23 năm theo nghề cây cảnh truyền thống, khu vườn của anh Nguyễn Văn Thành ở xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định hiện giá trị cũng lên tới cả chục tỷ đồng. Nhớ lại năm 2010, thị trường cây cảnh đi xuống, cả làng nghề lâm vào cảnh khó khăn, nhiều người phải bỏ vườn, bỏ cây, chuyển sang nghề khác, nhưng anh Nguyễn Văn Thành vẫn quyết tâm gắn bó với nghề của cha ông truyền lại. Anh quyết định vay Ngân hàng 600 triệu đồng để khôi phục lại vườn cây cảnh của mình.

“Bản thân tôi lúc đó cũng vượt qua một giai đoạn cũng gần như là khủng hoảng thế nhưng sau đó có sự hỗ trợ của ngân hàng nhất là như ngân hàng Agribank huyện Nam Trực, được sự tạo điều kiện và nỗ lực của tổ vay vốn, ban chỉ đạo dự án vay vốn của xã giúp cho bản thân tôi cũng như người dân dần dần lấy lại được. Đến bây giờ tôi không còn vay, cũng đầu tư như thế này cũng đã có một phần lo cho con ở bên nước ngoài và gửi đôi tỷ ở ngân hàng”.

 

Tình yêu và sự khéo léo chăm chút cây cảnh đã giúp đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện

Nhờ chủ trương đúng đắn của Nhà nước, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và hỗ trợ kịp thời từ phía Ngân hàng, giờ đây, Điền Xá vẫn duy trì được tên tuổi của một làng nghề cây cảnh nổi tiếng, giúp đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến,  Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thì thực hiện nghị quyết trung ương 7 của Ban chấp hành trung ương về nông nghiệp nông dân nông thôn cũng như nghị định 55, sau này nghị định 116 của chính phủ về hỗ trợ nông dân trong việc vay vốn phát triển sản xuất gắn với liên doanh liên kết trong nông nghiệp nông dân nông thôn, huyện ủy UBND huyện đã chỉ đạo ngân hàng nông nghiệp có sự đổi mới phối hợp với ngân hàng chi nhánh nông nghiệp tỉnh thống nhất, đồng chí Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện làm trưởng ban chỉ đạo cho vấn đề vay vốn nông nghiệp nông dân nông thôn.

Còn bà Lê Thị Thu Hà, Huyện uỷ viên, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định thì đánh giá rất cao mô hình vay vốn qua tổ tiết kiệm này của Agribank rất hiệu quả. Đã đạt được mục đích là chuyển đồng vốn đến bà con một cách thuận lợi và nhanh chóng. Vốn vay thì được bảo đảm và hạn chế nợ quá hạn.

 

Agribank luôn đồng hành cùng người nông dân trên con đường phát triển sản xuất

Gần 20 năm gắn bó với nghề, gia đình ông Lại Văn Quang ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũng nhờ nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất, từ một cơ sở nhỏ mỗi năm chế biến vài chục tấn mắm tôm, đến nay, quy mô sản xuất của gia đình ông đã lên tới khoảng 1000 tấn/năm, cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh thành trong cả nước với sản lượng khoảng 400 - 500 tấn thành phẩm/năm.

“Để có được quy mô như ngày hôm nay thì gia đình cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Khó khăn trước hết là nguồn vốn vì ban đầu tay nghề có, nguyên liệu có nhưng nguồn vốn thì không có. Chúng tôi đã được ngân hàng nông nghiệp cho vay vốn. Khi bắt đầu khởi nghiệp chỉ vay được khoảng 3 triệu thôi, dần dần đến nay gia đình tôi có dư nợ ngân hàng lên tới 1,5 tỷ.”Ông Lại Văn Quang chia sẻ

Cũng theo ông Quang thì nghĩa vụ của mỗi công dân cùng với cơ quan chính quyền các cấp chung tay xây dựng nông thôn mới thì đấy là một cái trách nhiệm và cũng là rất vinh dự bởi vì mình đáp ứng được cho đời sống của người dân của mình, của chính bản thân mình. Xã hội hóa để tất cả người dân cùng tham gia đóng góp xây dựng các hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống công cộng nói chung để cho quê hương ngày một giầu đẹp hơn nữa, người dân rất phấn khởi.

Phần 2: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Thái Bình

10 năm xây dựng nông thôn mới cũng là 10 năm Thái Bình tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều xã thuộc diện khó khăn trước đây, trong đó có xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, giờ đã vươn lên, đạt đủ 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Vũ Thành Quang, Chủ tịch UBND xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thì “trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì những năm vừa qua, nhất là năm 2019, chúng tôi cũng đã chú trọng việc nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như phát triển kinh tế hộ gia đình. Chúng tôi có một vùng chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang VAC kết hợp với tổng hợp. Hiện nay chúng tôi đã chuyển đổi được khoảng 41 ha từ diện tích lúa trên đây kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản và kết hợp với chăn nuôi.”

Ông Nguyễn Văn Nghinh đã chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình nuôi trồng thủy sản và đó là một hành động đúng đắn

Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Nghinh ở thôn Trà Linh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình quyết tâm chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình nuôi trồng thủy sản. Ba ao nuôi thả các loại cá nhưng chủ yếu là cá rô đồng, trung bình hàng năm thu hoạch từ 100 đến 120 tấn cá đã mang lại cho gia đình ông nguồn doanh thu tương đối ổn định, khoảng 600 triệu đồng/năm.

Ông Quang cho biết, trrước khi làm mô hình chuyển đổi thì gia đình ông cũng là người nông dân cây lúa thuần nông thôi. Khi được áp dụng các khoa học kĩ thuật cũng như được địa phương tạo điều kiện, gia đình ông Quang đã đấu thầu đất và cộng thêm đất của gia đình sẵn có, ông Quang đã chuyển đối cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Việc thay đổi này đã mang lại hiệu quả cao so với cây lúa (ngày xưa không được nhiều mà chủ yếu đi làm thuê) và cả gia đình ông hiện tại làm không hết việc, lại còn tận dụng một số bà con quanh vùng đến làm cùng

Agribank luôn nỗ lực mang phồn thịnh đến khách hàng

Để thực hiện được thành công việc chuyển đổi, ông Nghinh cũng như nhiều hộ nông dân khác đã dựa vào nguồn vốn của ngân hàng lúc ban đầu, thông qua các tổ vay vốn tại địa phương, sau một thời gian ổn định và phát triển, các hộ có trách nhiệm trả nợ ngân hàng và nguồn vốn lại tiếp tục được hỗ trợ cho các mô hình khác. Với tổng số khoảng 32.000 khách hàng, dư nợ hiện nay tại Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình là 7.700 tỷ đồng, trong đó 90 % là cho vay nông nghiệp nông thôn. Thông qua Hội nông dân và Hội phụ nữ, mạng lưới tổ vay vốn đã được phát triển lên tới 19.000 thành viên, với 1.200 tổ vay vốn, dư nợ trên 1.200 tỷ đồng.

“Hiện nay dư nợ của Agribank chi nhánh Thái Bình chúng tôi là 1200 tỷ, nợ xấu dưới 1 %, rất là tốt, thông qua dư nợ này việc thu lãi hàng tháng đối với tổ vay vốn rất sòng phẳng, hầu như chúng tôi thu lãi dóc, chiếm đến 98,99 %” Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết thêm.

 

Thi Nhân

Tin liên quan