Dấu ấn ngân hàng ở Tây Hòa

22/11/2022

Những kết quả mà Agribank Tây Hòa đạt được trong thời gian qua, thể hiện sự nỗ lực và trách nhiệm trong quá trình đồng hành vượt khó cùng người dân và doanh nghiệp ở địa phương. Góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Hòa.

“Đầu tàu” xây dựng nông thôn mới

Trong chuyến công tác tại Phú Yên mới đây, theo chân cán bộ tín dụng Agribank Phú Yên chúng tôi về với huyện Tây Hòa, một trong những “vựa lúa” ở địa phương. Về với Tây Hòa, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục của vùng quê này, từ đường sá, cảnh quan cho đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trên các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa phẳng lỳ. Hai bên đường là những luống hoa tươi tắn, điểm tô cho bức tranh làng quê tươi mới, đầy sức sống... Điều làm chúng tôi tự hào hơn, đó là trong những đổi thay của Tây Hòa, có sự đóng góp của ngành Ngân hàng, cụ thể hơn là từ Agribank.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Lê Xuân Thảo - Giám đốc Agribank Tây Hòa cho biết, nằm ở phía tây - nam Phú Yên, Tây Hòa là một huyện thuần nông. Vùng sản xuất lương thực, thực phẩm số 1 của tỉnh, diện tích quy hoạch gieo trồng hàng năm trên 13.400 ha lúa nước. Hiện, huyện đang triển khai đề án sản xuất đồng lúa chất lượng cao tại nhiều xã.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang tăng cường lan rộng diện tích quy hoạch trồng một số ít cây công nghiệp ngắn và dài ngày như, mía, hồ tiêu, cây ăn quả... Bên cạnh thế mạnh nông nghiệp, Tây Hòa còn có diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp tương đối lớn với 37.409,20 ha, chiếm 59,97% diện tích quy hoạch tự nhiên toàn huyện, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái xanh.

Agribank Tây Hòa đang tiếp sức cho nhiều trang trại ở địa phương.

Đặc biệt ở Tây Hòa, đến địa phương nào, chúng tôi cũng cảm nhận sự phấn khởi của người dân cùng chung sức, chung lòng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, với một huyện thuần nông, để phát triển cây lúa bền vững, chủ động tưới tiêu, Tây Hòa chú trọng đầu tư xây dựng thủy lợi nội đồng, với hơn 149 km kênh mương nội đồng kiên cố. Địa phương triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng ứng dụng cơ giới hóa với diện tích 580 ha. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất của người dân đi vào quy củ, quy mô và chất lượng nông sản được nâng cao...

Bên cạnh đó, bắt tay xây dựng nông thôn mới hệ thống giao thông của huyện được đầu tư hoàn chỉnh. Hầu hết, những con đường trước đây lởm chởm đất đá giờ đã được bê tông khang trang sạch sẽ, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Cùng với đó, địa phương còn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, viễn thông... đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu của các tiêu chí nông thôn mới.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên từng đánh giá, bộ mặt nông thôn huyện Tây Hòa đã có nhiều khởi sắc. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên...

Đến nay, Tây Hòa có 10/10 xã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận xã nông thôn mới. Đây cũng là huyện đầu tiên của Phú Yên được nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới. Tây Hòa đang trở thành điểm sáng về phong trào xây dựng nông thôn mới không chỉ riêng ở Phú Yên mà còn cả khu vực duyên hải miền Trung.

Đóng góp từ vốn ngân hàng

Để tìm hiểu những đóng góp cụ thể của đồng vốn ngân hàng vào sự thay đổi ở Tây Hòa, chúng tôi về thăm xã Hòa Mỹ Tây. Đây là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo lời cán bộ tín dụng Agribank Tây Hòa, hiện ở xã có một số trang trại nông, lâm phối hợp, kết hợp trồng rừng chăn nuôi, góp thêm phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.

Trang trại đầu tiên chúng tôi đến thăm là của ông Trần Xuân Điện - một trong những trang trại khá nổi tiếng, có quy mô ở Hòa Mỹ Tây. Theo lời ông Điện, từ năm 2007 ông đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng từ Agribank để đầu tư nuôi bò và trồng rừng. Từ nuôi bò và trồng rừng khá hiệu quả cùng với sự tiếp sức của ngân hàng ông tiếp tục đầu tư nuôi heo rừng, ốc bươu đen và làm than...

Với nhiều nỗ lực cùng sự hỗ trợ về vốn của Agribank Tây Hòa, đến nay doanh thu trung bình của trang trại lên đến 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về cũng xấp xỉ 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trang trại còn giải quyết việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng.

Trang trại của ông Trần Xuân Điện chỉ là một trong số rất nhiều cơ sở đã được Agribank Tây Hòa hỗ trợ trong suốt thời gian qua. Với tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm đến 90%, Agribank Tây Hòa đã và đang thực sự trở thành bạn đồng hành của nhà nông.

Cũng theo ông Lê Xuân Thảo, để đưa đồng vốn kịp thời đến với người dân, đơn vị đã tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm. Đây là những “cánh tay nối dài”, giúp đồng vốn ngân hàng phát huy hiệu quả, cán bộ tín dụng giảm tải áp lực công việc, chất lượng dư nợ cũng được nâng lên.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của những “cánh tay nối dài”, Agribank Tây Hòa còn chủ động rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục nhanh gọn, bố trí kịp thời nguồn vốn cho vay; thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách, sản phẩm cho vay linh hoạt.

Nguồn vốn từ Agribank cơ bản đáp ứng đủ vốn với lãi suất cho vay ưu đãi, phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ở địa phương; góp phần chung tay đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen, trả lại môi trường tín dụng lành mạnh trên địa bàn huyện...

Cùng với đó, Agribank Tây Hòa còn góp phần trợ lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương ổn định và phát triển. Hiện chi nhánh đang có quan hệ tín dụng với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Đơn vị luôn tạo những điều kiện tốt nhất để giải ngân, nhưng vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy định về tín dụng. Bên cạnh đó, thường xuyên cử cán bộ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về mảng tài chính, ngân hàng, trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Được tiếp sức từ Agribank, không ít doanh nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp cho ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương... Theo đại diện Công ty Phúc Quang Khang, một doanh nghiệp thu mua và chế biến gỗ ở địa phương, những hỗ trợ từ ngân hàng đã góp phần để công ty vượt qua những thời điểm khó khăn. Đơn cử, như sau cơn bão dịch Covid-19 vừa qua, với lãi suất cho vay ưu đãi đã giúp công ty “vượt bão”, duy trì việc làm ổn định cho hơn 30 công nhân. Từ đó, tạo đà cho doanh nghiệp bứt phá sau đại dịch.

Đồng thời, việc phát triển các sản phẩm dịch vụ cũng được Agribank Tây Hòa chú trọng. Với phương châm lấy khách hàng là trung tâm, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tiện ích, đơn vị đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân; gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở địa phương...

Dẫu còn những khó khăn phía trước, song có thể nói những kết quả mà Agribank Tây Hòa đạt được trong thời gian qua, thể hiện sự nỗ lực và trách nhiệm trong quá trình đồng hành vượt khó cùng người dân và doanh nghiệp ở địa phương. Góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Hòa.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiSđt tiếp nhận: 1900558818/024.3205.3205 để nhận được hỗ trợ
Sđt gọi ra: 024.2233.2345/037.353.2345/037.348.2345/037.346.2345
Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi