Web Content Viewer
- Mở tài khoản tại Agribank
- Vay vốn tại Agribank
- Thẻ của Agribank
- Chuyển tiền tại Agribank
- Lãi suất tiền gửi, tiền vay của Agribank
- Chuyển tiền quốc tế Agribank
- Mobile Banking
- Internet Banking
- Khuyến mãi, ưu đãi của Agribank
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Biểu mẫu đăng kí
- Biểu phí dịch vụ
- Công cụ tính toán
- Hỏi đáp
- Liên hệ
- Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
- Tỷ giá ngoại tệ
- Điểm ATM & Chi nhánh
- Đăng nhập Ngân hàng trực tuyến
Bản tin nội bộ Agribank số 71
28/12/2022
Quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch phát hành trái phiếu công chúng năm 2022
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các ngân hàng thương mại phải duy trì hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Đây là một chỉ tiêu quan trọng để quyết định khả năng tăng trưởng, cấp tín dụng của Agribank. Từ ngày 1/1/2023 tất cả các Tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ hệ số CAR theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 20/12/2016 của NHNN (Thông tư 41). Để thực hiện yêu cầu này, Agribank cần phát hành thêm 8.000-10.000 tỷ đồng vốn trái phiếu dài hạn, cùng với việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản có rủi ro quyết liệt như đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Vì vậy, nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống.
Trái phiếu Agribank được chào bán ra công chúng năm 2022 có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu; Tổng giá trị phát hành: 10.000 tỷ đồng; Thời hạn phát hành dự kiến ngày 30/12/2022; Kỳ hạn trái phiếu: 8 năm; Trả lãi định kỳ 01 năm một lần.
Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 1,6%/năm vào 5 năm đầu và 3,1%/năm vào 3 năm cuối.
Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có thể đăng ký mua trái phiếu Agribank từ ngày 10/12/2022 đến ngày 29/12/2022 tại Trụ sở chính và tất cả các điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc và thông qua đại lý phát hành Agriseco - Công ty cổ phần chứng khoán Agribank.
Mục đích Agribank chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Để thực hiện tốt kế hoạch phát hành trái phiếu Agribank, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh năm 2022, cần sự tích cực hưởng ứng, đồng lòng, sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Agribank. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trọng tâm của toàn hệ thống, của từng đơn vị, chi nhánh; đồng thời là trách nhiệm, quyền và lợi ích của mỗi cán bộ, người lao động Agribank. Vì vậy, phát huy tinh thần sức mạnh của gần 4 vạn cán bộ, đoàn viên, người lao động Agribank, mỗi cán bộ, người lao động Agribank phát huy lòng yêu ngành, yêu nghề tích cực hưởng ứng tham gia đợt phát hành trái phiếu Agribank năm 2022; tích cực tiếp cận, tiếp thị khách hàng, đồng thời vận động bạn bè, người thân tham gia đầu tư trái phiếu Agribank để thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu phát hành trái phiếu theo kế hoạch, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh doanh năm 2022 của toàn hệ thống.
Khí thế, nỗ lực triển khai thành công công tác quyết toán năm 2022
Để thực hiện tốt công tác hạch toán kế toán, quyết toán tài chính theo quy định của Nhà nước và Agribank, Tổng Giám đốc đã ban hành văn bản số 11699/HD-TCKT ngày 25/11/2022 về hướng dẫn thực hiện công tác quyết toán năm 2022 và mới đây, ngày 08/12/2022, Agribank đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quyết toán năm 2022 đến toàn hệ thống.
Theo đó, yêu cầu công tác quyết toán thực hiện đúng quy định chế độ hạch toán kế toán, thống kê báo cáo và chế độ quản lý tài chính của nhà nước và Agribank. Tổng giám đốc yêu cầu về thời gian thanh toán, thời gian khóa sổ giao dịch trong quyết toán, không để xảy ra tình trạng thời gian khóa sổ kéo dài làm tắc nghẽn các giao dịch trên các kênh điện tử vào những ngày đầu năm 2022, gây bức xúc cho khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động của Agribank. Từng đơn vị phải kiên quyết, nỗ lực hoàn thành các công việc quyết toán nhanh chóng, chính xác để đảm bảo an toàn hệ thống thực hiện khóa sổ năm 2022 trước 12h00 ngày 01/01/2023.
Tổng giám đốc cũng yêu cầu công tác quyết toán đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản của Agribank trước, trong và sau thời điểm quyết toán; tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ, bảo vệ tiền và tài sản tại trụ sở giao dịch, quầy giao dịch, kho tiền, các thiết bị ATM, CDM và tiền trên đường vận chuyển; tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng giám sát nhằm hạn chế tối đa các vụ việc tham ô, lợi dụng, vi phạm quy định, quy trình gây thất thoát tài sản như đã xảy ra tại một số chi nhánh, phòng giao dịch thời gian vừa qua. Giám đốc các chi nhánh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tổng giám đốc, Hội đồng thành viên trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tại đơn vị; trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác ngân quỹ, thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, cho vay tại hội sở, chi nhánh loại II, phòng giao dịch, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.
Tổng giám đốc yêu cầu khắc phục triệt để và không để lặp lại các tồn tại, sai sót đã được Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ phát hiện khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 về phân kỳ trả nợ gốc, lãi của các khoản vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; định giá lại tài sản bảo đảm; quản lý và hạch toán lãi chưa thu của các khoản nợ đã xử lý rủi ro (XLRR), nợ cơ cấu theo covid-19; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng; các khoản phí liên quan đến hoạt động tín dụng, quản lý và hạch toán các nghiệp vụ phái sinh tiền tệ,v.v… Đồng thời, ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện, vận hành ổn định, an toàn trong quyết toán năm 2022 các chương trình mới triển khai trên IPCAS như: Chương trình hóa đơn điện tử, chương trình quản lý các khoản nợ đã XLRR; chương trình quản lý và hạch toán các nghiệp vụ phái sinnh tiền tệ, chương trình tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN. Vì vậy, các đơn vị nghiệp vụ đầu mối tại TSC và Trung tâm CNTT phải xác định rõ trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kịp thời các vướng mắc của chi nhánh, tuyệt đối không để xảy ra các lỗi vận hành chương trình ảnh hưởng đến tiến độ và số liệu quyết toán. Giám đốc chi nhánh phải trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm trước pháp luật, HĐTV, TGĐ về tiến độ triển khai, tính chính xác của số liệu, dữ liệu nhập vào các chương trình quản lý của Agribank.
Với mục đích công tác quyết toán phải góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch kinh doanh, tài chính của đơn vị và toàn ngành; đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn tài sản; tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, xử lý các vấn đề tồn tại về tài chính, kế toán chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa Agribank theo quy định; đồng thời là quá trình rà soát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu tài chính, kinh doanh năm 2022, làm cơ sở xây dựng kế hoạch năm 2023 và tiếp tục thực hiện phương án hỗ trợ hoạt động kinh doanh, cơ cấu lại chi nhánh theo Quyết định số 468/QĐ-HĐTV-TCTL ngày 01/9/2020 của Hội đồng thành viên, vì vậy, chỉ đạo thực hiện công tác quyết toán phải thống nhất, đồng bộ; lập, nộp báo cáo đầy đủ, đúng thời gian theo quy định của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Agribank. Toàn thể cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống quyết tâm, nỗ lực thực hiện thành công kế hoạch quyết toán năm 2022 đảm bảo đúng tiến độ theo quy định.
Tổ chức Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 20223; để chuẩn bị tốt các điều kiện cho cán bộ, đảng viên, người lao động các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối yêu cầu các đảng ủy trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong Khối, đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón tết. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; người lao động tại các dự án, công trình trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp thuộc đơn vị và địa phương - nơi doanh nghiệp đang hoạt động.
Các đảng ủy trực thuộc phối hợp với địa phương - nơi các đơn vị đứng chân thực hiện tốt công tác tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, hội nghị tổng kết năm, gặp mặt đầu năm, Tết trồng cây,… thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Không tổ chức đoàn đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; chỉ dự lễ hội, lễ chùa khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh
Các đảng ủy trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh,… Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông - vận tải, chủ động có kế hoạch bảo đảm đủ phương tiện vận chuyển hàng hóa và phục vụ cán bộ, người lao động trong Khối cũng như nhân dân về quê đón Tết đi lại thuận tiện, an toàn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường; tích cực tham gia ổn định thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Có kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, nhân viên trực Tết, kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; phòng, chống cháy nổ; khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, đơn vị trong Khối hoàn thành việc tổng kết công tác năm 2022 trước ngày 10/01/2023, để tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2023 ngay từ đầu năm và chăm lo Tết cho cán bộ, đảng viên và người lao động; nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trên, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối yêu cầu các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc và tạp chí, trang tin, bản tin nội bộ, website, mạng xã hội của tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công văn của Đảng ủy Khối về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; tiếp tục tuyên truyền về những thành tựu của đất nước; các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống ngành, đơn vị trong Đảng bộ Khối; nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và người lao động về các quy định an toàn giao thông, sử dụng pháo và vật liệu nổ; phòng chống dịch bệnh; chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta; làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với khí thế thi đua, quyết tâm, phấn khởi hướng đến kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Agribank (26/3/2023), ngày 26/12/2022 Đảng ủy Agribank ban hành văn bản số 1346-CV/ĐU-NHNo về tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, Đảng ủy Agribank yêu cầu các đơn vị phổ biến, quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về tổ chức đón Tết Quý Mão năm 2023 tại Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 và Công văn 1176-CV/ĐUK ngày 13/12/2022. Đồng thời, quan tâm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, đảng viên, người lao động; đồng thời phát huy trách nhiệm xã hội của Agribank đối với cộng đồng thông qua các hoạt động an sinh xã hội của đơn vị và địa phương, địa bàn hoạt động. Đảm bảo hoạt động đón Tết, vui Xuân lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đảng ủy Agribank yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định, nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ gìn an ninh, an toàn trụ sở, Autobank (ATM/CDM), phòng, chống cháy nổ. Toàn hệ thống khẩn trương làm việc nghiêm túc ngay từ ngày đầu năm mới. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về kết quả hoạt động và đóng góp tích cực của Agribank gắn với những thành tựu của đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân 2023 của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và ngành Ngân hàng, các hoạt động hướng đến kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Agribank. Chủ động nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phối hợp Ban Truyền thông và các đơn vị liên quan xử lý thông tin vụ việc (nếu có).
Chào đón cán bộ mới gia nhập “Mái nhà chung Agribank”
Những ngày cuối năm 2022, Agribank trên toàn hệ thống cùng chung niềm vui chào đón các bạn ứng viên xuất sắc nhất trong kỳ thi tuyển dụng năm 2022 đã trở thành thành viên trong Mái nhà chung Agribank.
Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vương phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ mới tuyển dụng làm việc tại Trụ sở chính
Cùng với các chi nhánh trong hệ thống, sáng ngày 26/12/2022, Agribank tổ chức gặp mặt cán bộ mới tuyển dụng năm 2022 làm việc tại Trụ sở chính. Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank chúc mừng hơn 100 cán bộ xuất sắc trở thành cán bộ Trụ sở chính Agribank. Tổng giám đốc đánh giá cao chất lượng cán bộ mới tuyển dụng, nhiều cán bộ có trình độ cao, đặc biệt có những cán bộ đã từng làm việc tại các tổ chức uy tín nhưng sẵn sàng lựa chọn Agribank là nơi làm việc và cống hiến. Tổng giám đốc mong muốn các cán bộ mới phát huy sức trẻ, tinh thần trách nhiệm, dù ở bất kỳ vị trí nào cũng cần có tinh thần làm việc cống hiến vì mục tiêu chung của Agribank, tuân thủ quy trình, sát sao, nhạy bén với công việc được giao. Ban Lãnh đạo Agribank cam kết sẽ tạo môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ tốt nhất để các cán bộ yên tâm công tác, tiếp nối truyền thống của lớp lớp cán bộ đi trước, trở thành một phần lịch sử và tương lai của Agribank.
Lễ gặp mặt và trao quyết định tuyển dụng tới các cán bộ mới tuyển dụng Trụ sở chính
Tại buổi gặp mặt, các cán bộ mới được giới thiệu về quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, truyền thống Agribank để mỗi cán bộ hiểu hơn, tự hào hơn về nơi làm việc mới. Agribank đã có kế hoạch đào tạo, hỗ trợ trang bị kiến thức cho các cán bộ mới, đồng thời yêu cầu cán bộ trẻ không ngừng chủ động nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm gắn với hoạt động thực tiễn của ngân hàng.
Với mục tiêu trẻ hóa đội ngũ cán bộ, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, Agribank luôn chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Trong năm 2022, Agribank đã tổ chức đào tạo hơn 12.000 lượt học viên, tuyển dụng được hơn 2.000 cán bộ có trình độ, kinh nghiệm công tác trong toàn hệ thống, trong đó có hơn 130 cán bộ thuộc các đơn vị Trụ sở chính và các Văn phòng Đại diện Khu vực. Đây là sự bổ sung kịp thời về nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh và chiến lược phát triển của Agribank trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Agribank Chi nhánh Nam Nghệ An chúc mừng và trao các Quyết định tuyển dụng mới cho các cán bộ được tuyển dụng
Agribank Chi nhánh Hải Phòng trao Quyết định tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2022
Chúc mừng cán bộ mới gia nhập Mái nhà chung Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II
Ban lãnh đạo Agribank Chi nhánh Sóc Trăng trao quyết định cho cán bộ mới tại chi nhánh
Agribank Chi nhánh Bình Định trao Quyết định tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2022 cho15 ứng viên xuất sắc trúng tuyển
Agribank Chi nhánh Long An chúc mừng 24 tân viên chức xuất sắc nhất trong chương trình tuyển dụng lao động đợt II, năm 2022
Agribank Hà Giang đón chào lớp cán bộ mới tuyển dụng đợt 2 năm 2022
Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) và 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 - 12/2022)
Vinh quang truyền thống vẻ vang của quân đội và nhân dân Việt Nam
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Những ngày tháng hào hùng
50 năm trước, vào những ngày cuối tháng 12-1972, trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Chiến thắng đó góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cuộc đối đầu bằng công nghệ cao...
Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Bác Hồ đã dự đoán và chuẩn bị từ 10 năm trước cho tình huống Mỹ sẽ dùng B52 đánh vào Hà Nội. 5 năm trước khi xảy ra cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, ngày 29-12-1967, giao nhiệm vụ đánh B52 cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, Bác Hồ đã khẳng định: Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Đúng như dự đoán của Người, ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nic-xơn phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay B52” nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán. Tầm nhìn chiến lược, những dự báo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chủ động chuẩn bị mọi kế sách chống giặc.
Thời điểm năm 1972, không lực Hoa Kỳ có tổng số khoảng 405 B52. Ở 14 liên đội không quân từ 3 căn cứ không quân và 6 tàu sân bay có 207 chiếc B52, hơn 1.000 máy bay các loại tiêm kích ném bom F4, tiêm kích F105; Cánh cụp cánh xòe F111; cường kích A4… Báo chí Mỹ không ngớt quảng cáo, gây ấn tượng loại “siêu pháo đài bay B52” là vũ khí chiến lược “vô địch” “bất khả xâm phạm” với tham vọng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. B52 được xem là máy bay ném bom lớn nhất thế giới lúc đó. B52 có thể mang 100 quả bom, số lượng đó tương đương từ 17 tấn đến 30 tấn, bay liên tục 21 giờ, trên chặng đường dài 12.000km đến 16.000km. B52 còn được trang bị 15 máy gây nhiễu điện tử, 2 máy gây nhiễu bằng sợi kim loại, có 4 quả tên lửa nhử mồi và hai tên lửa hành trình không đối đất, có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B52: 193/tổng số 405 chiếc hiện có của Quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biệt đội máy bay F111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa; máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật; máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Phục vụ cho chiến dịch tác chiến của không quân có 30 tuần dương hạm, khu trục hạm và hơn 20 tàu chở bom đạn, dầu, hậu cần, bệnh viện. Không quân và hải quân đã vận chuyển hàng vạn tấn xăng dầu, 500 nghìn tấn bom đến các căn cứ không quân của Nhật và Thái Lan.
Về lực lượng và thế trận Việt Nam trên địa bàn Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn thành phố đã xây dựng hệ thống 45.000km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy được tổ chức sẵn sàng có mặt ứng cứu kịp thời. Cả thành phố có 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ từ trận địa đến trung tuyến, hậu tuyến… Trong đó, khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy đã được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch. Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao và phạm vi rộng lớn, làm chủ thế trận đánh địch trên bầu trời Hà Nội. 60 vạn dân đã được tổ chức sơ tán ra khỏi nội thành.
Để bảo đảm vận chuyển trong chiến đấu, ngoài Sở Giao thông vận tải của thành phố, Nhà nước thành lập Ban Bảo đảm giao thông vận tải khu vực do Phó Thủ tướng Đỗ Mười làm Trưởng ban. Các bến phà qua sông Hồng ở khu vực Chương Dương, Khuyến Lương, Chèm và một số cầu phao, phà qua sông Đuống được gấp rút củng cố. Về trang bị kỹ thuật có súng máy phòng không tầm thấp 12,7mm và 14,5mm, loại 1 nòng và 4 nòng; pháo PK 37mm, 57mm, 100mm. Tên lửa SAM-2 và hệ thống ra-đa đi kèm. Không quân có các loại MIG-21, MIG-17. Các đơn vị ra-đa cảnh giới được bố trí thành một mạng lưới liên hoàn tại nhiều địa điểm địch không thể ngờ tới, bảo đảm phát hiện máy bay địch từ xa. Một hệ thống thông tin hữu tuyến, vô tuyến và các đài quan sát bảo đảm vững chắc liên lạc trong mọi tình huống và phát hiện máy bay địch trong mọi thời tiết.
Về tổ chức lực lượng chiến đấu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương được biên chế gồm Sư đoàn PK 361 có 2 trung đoàn tên lửa, và các đơn vị được tăng cường, với tổng số 84 bệ phóng có đầy đủ cơ số đạn theo quy định, có 5 trung đoàn pháo cao xạ 100mm, 550 súng máy cao xạ, 700 súng trung liên, đại liên đặt trên sân thượng các tòa nhà cao tầng tại khu vực trọng điểm. Lực lượng không quân có 3 trung đoàn. Sư đoàn Phòng không 363 có 2 tiểu đoàn tên lửa và 2 trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hải Phòng. Sư đoàn Phòng không 367 bảo vệ tuyến vận tải từ Thanh Hóa trở vào. Các tiểu đoàn kỹ thuật đã sắp xếp lại dây chuyền sản xuất đạn, nghiên cứu vận dụng cải tiến kỹ thuật quy trình lắp ráp tăng tiến độ lắp ráp từ 8 quả lên 20-22 quả trong một ngày.
Trong quá trình xây dựng phương án bố trí lực lượng chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, tư lệnh các binh chủng ra-đa, tên lửa, không quân và Sư đoàn Phòng không Hà Nội để xác định phương án chiến đấu hiệu quả cao nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng: “Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Sau mấy tuần vật lộn với những con số, các cán bộ tham mưu phòng không không quân đã đưa ra câu trả lời: N1 (tỷ lệ Mỹ chịu đựng được) là 1-2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2 (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển) là 6-7%; N3 (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) là trên 10%.
Câu hỏi tiếp theo của Tổng Tư lệnh là Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.
Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Cục Tình báo, Viện Kỹ thuật quân sự, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc phối hợp với chuyên gia Liên Xô khai thác, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến máy bay B52, giải quyết các vấn đề trinh sát kỹ thuật vô tuyến, thông tin liên lạc, phục vụ chiến đấu.
Ngày 18-12-1972, Không quân Mỹ mở đầu chiến dịch tập kích đường không chủ yếu bằng B52 ồ ạt đánh vào Hà Nội. 19h16’ bắt đầu xuất hiện các tốp B52, mỗi tốp 3 chiếc bay theo đội hình đã xác định. Có 100 máy bay tiêm kích bay theo bảo vệ và đánh các trận địa tên lửa và pháo của ta.
Sau 9 giờ đồng hồ trong đêm 18 rạng ngày 19-12, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ đã sử dụng 90 lần chiếc B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật, tổ chức ba đợt đánh vào Hà Nội. Hệ thống ra-đa đã phát hiện sớm. Lực lượng chiến đấu đã đánh trả quyết liệt. Hà Nội bắn rơi 4 chiếc, có 3 chiếc B52, 2 chiếc rơi tại chỗ. Trong tác chiến phòng không chiến thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về tư tưởng tác chiến mà chứng minh một chiến thuật chính xác hiệu quả.
Các ngày tiếp theo quân dân Hà Nội đã thắng lớn, các ngày 19, 20, 21 bắn rơi tại chỗ 5 B52… Chỉ trong 9 phút các Tiểu đoàn Tên lửa 57, 77, 79 đã phóng 6 quả đạn bắn rơi 4 chiếc B52, có 3 chiếc rơi tại chỗ. Riêng Tiểu đoàn 57 chỉ hai quả đạn cuối cùng trong vòng 2 phút bắn rơi 2 B52. Một trận đánh tiêu biểu, hiệu suất rất cao. Trong đêm 22 và 24-12, chỉ trong 10 phút bộ đội tên lửa bắn rơi tại chỗ 3 chiếc với số lượng đạn chỉ bằng một nửa so với những trận đánh trước.
Không quân Mỹ thay đổi chiến thuật, tập trung đánh chế áp mạnh tên lửa của ta để giảm bớt hỏa lực đánh B52. Ta bố trí lại đội hình, các đơn vị pháo tập trung bảo vệ các trận địa tên lửa. Tên lửa tập trung hỏa lực đánh B52, đồng thời Bộ Tư lệnh Quân chủng ra lệnh tạo điều kiện cho Không quân tiêu diệt được B52, bằng cách tổ chức phục kích cất cánh từ những địa điểm địch không ngờ tới. Trong đêm 26 và ngày 27-12, các lực lượng phòng không và không quân đã hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 18 máy bay trong đó có 8 B52, lực lượng phòng không bắn rơi 7 chiếc. Phi công Anh hùng Phạm Tuân nhận lệnh phục kích ở sân bay Yên Bái được lệnh cất cánh đã tiêu diệt 1 B52. Ngày hôm sau Anh hùng Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tiêu diệt 1 B52. Chiếc B52 bị bắn rơi xuống làng Ngọc Hà là chiếc duy nhất bị bắn rơi khi chưa kịp cắt bom. Cũng sau trận này sự thất bại hoàn toàn của chiến dịch tập kích đường không chiến lược của Mỹ đã được định đoạt, khả năng xuất kích của B52 suy giảm rõ rệt.
Chiến thắng của quân và dân ta thực sự đã làm choáng váng kẻ thù, chấn động thế giới. Phó Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ George Etter thú nhận trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ: Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc. Tổng thống Mỹ Nic-xơn trong hồi ký của mình viết: Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề. 7h30’ phút ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27-1-1973 ký kết Hiệp định Paris, quân Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
... Bài học lịch sử
Trong chiến dịch tập kích đường không tháng 12-1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ, 4.025 dân thường bị giết, 3.327 người bị thương. Riêng Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt xuống nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga và nhiều công trình văn hóa khác; giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác… Sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, ga Yên Viên, xã Uy Nỗ… sẽ mãi mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Với truyền thống quật cường của dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vừa thực hiện thắng lợi chiến dịch phòng không, vừa thực hiện sơ tán phòng tránh tốt, hạn chế đến mức thấp sự thiệt hại về người và của.
Trong chiến dịch chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ, ta bắn rơi 81 chiếc, trong đó có 34 chiếc B52, bắt sống 44 giặc lái trong đó có 33 giặc lái B52. Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện xuất sắc, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông tháng 12-1972, với 34 chiếc B52 bị bắn hạ, đạt tỷ lệ là 17,6% (34/197). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.
Sự chủ động, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng phòng không tham gia chiến dịch, sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều thành phần, từ hệ thống ra-đa phát hiện B52 đến cách đánh cụ thể của bộ đội tên lửa, việc giải quyết tốt nhiều vấn đề trong lĩnh vực chiến tranh điện tử, như chống lại gây nhiễu, nghi binh, phóng mục tiêu giả B52 đến vô hiệu hóa thủ đoạn phóng tên lửa Sơ-rai… đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh kiên cường Việt Nam. Chiến thắng trận đầu đã làm cho giặc lái B52 từ chỗ chủ quan coi thường hệ thống phòng không của ta, bắt đầu hoang mang, nghi ngờ, rồi lo sợ, khiếp đảm.
Có thể khẳng định, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 ta đã tiến hành chiến dịch phòng không đạt mức tiêu diệt máy bay chiến lược hiện đại của Mỹ cao nhất, oanh liệt nhất, đạt hiệu lực chiến lược lớn nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Đó là chiến dịch tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B52 của Mỹ đầu tiên trên thế giới. Bình luận về cuộc ném bom B52 vào Hà Nội, báo Tin nhanh Mỹ đã viết: Những trận mưa bom hiện thời có lẽ đã tiêu diệt một dân tộc khác, thì trái lại nó làm cho người Việt Nam đứng vững, đồng thời làm nảy nở những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Cùng với quan điểm như vậy dư luận thế giới đã coi “Hà Nội là thủ đô của phẩm giá con người”(Em bổ sung nguồn thông tin vào đây)
Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022): Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng
78 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu hy sinh, từng bước trưởng thành, lớn mạnh.
Ngay trong những ngày đầu mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên chiến công Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến công nối tiếp chiến công, Quân đội ta đã cùng với toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội đã làm nòng cốt cùng toàn dân và các lực lượng vũ trang chiến đấu và giành thắng lợi vang dội trong các chiến dịch Việt Bắc (năm 1947), Biên Giới (năm 1950) và cuộc quyết chiến chiến lược Đông Xuân (năm 1953 - 1954) với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (năm 1972) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975; góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những kỳ tích hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Là đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, 78 năm qua, Quân đội luôn dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống yên bình của nhân dân; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, tăng cường “thế trận lòng dân”; chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, cán bộ, chiến sĩ quân đội và các lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đã dũng cảm, xả thân bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ.
Vừa làm tròn chức năng của một đội quân chiến đấu, toàn quân đã luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, tích cực lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội. Trong kháng chiến, Quân đội đã vừa đánh giặc, vừa sản xuất, thực hiện “thực túc - binh cường”, trực tiếp tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Trong hòa bình, Quân đội lại vừa xây dựng, vừa tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế đất nước; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng trong thời kỳ mới.
Trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội ta thật sự là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang; xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta diễn ra trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông ngày càng gay gắt. Các thế lực thù địch tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta một cách tinh vi, trắng trợn. Cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng diễn ra hết sức gay gắt và ngày càng quyết liệt. Điều đó đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong đó, vấn đề xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại là nội dung đặc biệt quan trọng và là yếu tố cơ bản để quân đội ta hoàn thành trọng trách là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng quân đội về chính trị là nguyên tắc cơ bản hàng đầu là vấn đề có tính quy luật và có ý nghĩa sống còn đối với quân đội ta. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị thực chất là xây dựng quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, xây dựng quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, đòi hỏi phải luôn giữ vững và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đây là vấn đề cốt tử có tính nguyên tắc và cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta trong 78 năm qua. Bài học đó càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong giai đoạn cách mạng hiện nay, có ý nghĩa quyết định nhất là phải xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, có sức chiến đấu cao, có năng lực lãnh đạo toàn diện, làm tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự quốc phòng.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, tin tưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu cao khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “dân tộc cường thịnh, trường tồn”, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của mình, tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp bộ đội Cụ Hồ, phát huy truyền thống vẻ vang, thể hiện rõ vai trò của một đội quân chiến đấu, trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu. (Tạp chí Xây dựng Đảng)
Ưu tiên vốn phát triển ngành hàng chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Thời gian qua, để tạo lập môi trường và tạo đà cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực, NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực: Huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.
Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng như dư nợ ngành thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc, trong đó, dư nợ cho vay cá tra và tôm đạt 62.953 tỷ đồng, chiếm 56% dư nợ cho thủy sản của vùng; Dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc.
Kết quả trên cho thấy, dòng vốn tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.
Đây là sự nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng và các TCTD trên địa bàn trong việc đầu tư vốn vào lĩnh vực nông sản, việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Qua đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank chia sẻ, Agribank luôn quan tâm và xác định ĐBSCL là một trong những khu vực chủ đạo để đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2022, Agribank đã ưu tiên giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho khu vực này là 11,6%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23.000 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn hệ thống.
Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực ĐBSCL hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 180.000 tỷ đồng với 670.000 khách hàng, chiếm 83% dư nợ cho vay của khu vực. Đáng chú ý, mặc dù thị phần tín dụng của Agribank tại khu vực ĐBSCL chỉ chiếm 22,6% nhưng thị phần tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 40%. Song song với tín dụng thương mại, Agribank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất và chương trình giảm lãi suất cho khách hàng trong toàn hệ thống.
Trong giai đoạn 2021-2022, Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi, 2 chương trình giảm trực tiếp lãi suất cho vay đối với khách hàng. Trong đó, có 2 chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 7 chương trình ưu đãi dành cho các đối tượng là khách hàng lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI, xuất nhập khẩu và khách hàng cá nhân vay tiêu dùng. Đặc biệt, vừa qua, ngân hàng đã triển khai chương trình giảm 20% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung, khách hàng kinh doanh xăng dầu...
Trong năm 2021, Agribank đã dành hơn 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi và phí cho khách hàng, trong đó riêng khu vực ĐBSCL được giảm hơn 900 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2022, ngân hàng sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỷ đồng. Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng. Đồng thời triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn vay.
Với lợi thế có mạng lưới rộng lớn ở khu vực ĐBSCL (bao gồm 17 chi nhánh loại I, 145 chi nhánh loại II và 145 phòng giao dịch cùng hơn 5.200 cán bộ), không ngừng cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại; quy mô tín dụng có mức tăng trưởng khá tốt và ổn định trong 10 năm qua, Agribank luôn là điểm tựa kinh tế đáng tin cậy của doanh nghiệp và người nông dân trên từng chặng đường phát triển.
AGRIBANK NEWS
Các tin khác
- Thi đua là yêu nước - Nguồn sức mạnh nội sinh để Agribank vững bước tiên phong
- Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Nhiệm vụ "sống còn" để Agribank bứt phá và phát triển
- Đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng năm 2025
- Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp - Quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh doanh năm 2025
- Toàn hệ thống thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025"
- Bản tin thanh niên tháng 1/2025
- Tự hào 95 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam
- Quyết tâm, quyết liệt hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
- Agribank phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2025
- Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng