Agribank đảm bảo nguồn vốn, hỗ trợ thị trường xuất khẩu gạo

10/01/2024

Sáng ngày 09/01 tại TP. Hồ Chí Minh, báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo “Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo” nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để tận dụng được những thuận lợi của thị trường, mở ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo như Việt Nam trong thời gian tới?". Đại diện Agribank tham dự và thảo luận về các chính sách Agribank đã và đang thực hiện để hỗ trợ lĩnh vực này. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về thực trạng và cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Qua đó nhấn mạnh các yếu tố quan trọng như: cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, xuất khẩu và đặc biệt lên kệ ở nước ngoài; xây dựng thương hiệu có chất lượng sản phẩm, uy tín lâu dài… Bên cạnh đó, vai trò của việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng nhằm phát triển sản xuất, liên kết, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng được quan tâm.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết: Với vai trò là Ngân hàng thương mại chủ lực về cung cấp tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển “Tam nông”. 

Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban chính sách tín dụng Agribank chia sẻ tại Hội thảo.

Đến 31/12/2023, tổng dư nợ lĩnh vực lúa gạo của Agribank là 61,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 (tỷ lệ tăng trường 9,5%). Trong đó, cho vay trồng lúa là 4,6 nghìn tỷ đồng; cho vay xuất khẩu gạo là 1,2 nghìn tỷ đồng. Riêng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt hơn 29,3 nghìn tỷ đồng với gần 38 nghìn khách hàng; đây cũng là khu vực cho vay ngành lúa, gạo lớn nhất hệ thống Agribank với tỷ trọng 48%.

Bên cạnh đó, Agribank đã chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam trong đó có lúa gạo.

Các chi nhánh trực thuộc đã được hướng dẫn cụ thể phương án triển khai cho vay khách hàng đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với chương trình OCOP, triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo như: Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu năm 2023 quy mô 25.000 tỷ đồng, giảm tối đa 1% so với sàn lãi suất cho vay thông thường; Chương trình tín dụng ưu đãi đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 10.000 tỷ đồng, giảm tối đa 0,7% so với sàn lãi suất cho vay thông thường;... 

Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 sẽ hướng tới ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, không chạy theo sản lượng đi vào chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Nắm bắt định hướng trên, Agribank và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về chương trình 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với phát triển xanh, bền vững đến năm. Bản ghi nhớ nhằm triển khai Chương trình hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Theo đó, Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay, dịch vụ tài chính... đối tượng trực tiếp là bà con nông dân trồng lúa, doanh nghiệp thực hiện thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo…

Bên cạnh đó, Agribank nhiều lần thực hiện giảm lãi suất cho vay và các chương trình tín dụng ưu đãi. Trên cơ sở tiết giảm chi phí huy động đầu vào, Agribank đã thực hiện 05 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối tượng thông thường (không gồm cho vay lĩnh vực ưu tiên), theo đó đã giảm 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh…; Triển khai 08 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường; 02 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ cho vay trung hạn hiện hữu; Tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ…

Agribank sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nông dân và doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu gạo; tìm ra những giải pháp đường dài hỗ trợ phát triển chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, tạo giá trị bền vững cho hạt gạo Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân và phát triển nền kinh tế nông nghiệp của đất nước.

Hải An - VPMN
 

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi