Agribank đồng hành cùng sự kiện Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

31/12/2023

Chiều ngày 30/12/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân lần thứ năm được tổ chức với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững". Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Agribank tự hào là đơn vị đồng hành cùng sự kiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Ngân hàng Nhà nước; Kế hoạch và Đầu tư; Công thương; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; cùng các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, ngân hàng thương mại trong đó có Agribank; các đại biểu là nông dân tiêu biểu, đại diện cho trên 10 triệu hội viên nông dân cả nước. Hội nghị năm nay cũng được kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 địa phương, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành...

Các nhóm vấn đề chính được trao đổi tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ năm, năm 2023

Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân Việt Nam 2023 diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới; Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 cũng vừa kết thúc thành công, với bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ đầu năm 2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã lấy ý kiến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trên cả nước và đã có gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ, đặc biệt các vấn đề liên quan tới kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; Thứ hai, giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thứ ba, một số biện pháp hỗ trợ cụ thể thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp như trang bị thiết bị, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền; Thứ tư, các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông dân, nhất là việc thực hiện các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững; Thứ năm, quan tâm, tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phát triển công nghiệp, làng nghề; Thứ sáu, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân...

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ năm, năm 2023

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Nguồn vốn ngân hàng luôn tập trung ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn 

Tại Hội nghị, ngoài các ý kiến về vấn đề chính sách phát triển nông nghiệp xanh, hiện đại; phát triển đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp... các đại biểu đã quan tâm trao đổi các vấn đề liên quan nguồn vốn đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ chế, giải pháp để nông dân được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai…

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, về phía ngành Ngân hàng, NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Đây là lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng luôn duy trì ở mức cao, chiếm khoảng 10-12% hàng năm, kể cả những năm có dịch hay khó khăn như thời gian qua. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ có rất nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vì xác định đây là mặt trận hàng đầu của kinh tế đất nước. Riêng ngành Ngân hàng, đến thời điểm hiện nay có 18 văn bản đồng nghĩa với 18 chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (bên trái) khẳng định nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn của ngành Ngân hàng

Đối với việc tiếp cận tín dụng, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có một cơ chế nào hạn chế thậm chí còn có cơ chế động viên khuyến khích, ưu tiên với các ngân hàng thương mại để đầu tư lĩnh vực này. Chính vì vậy, hiện tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 1/4 dư nợ của cả nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn thường xuyên duy trì ở mức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, chiếm khoảng 10-12% hàng năm, kể cả những năm có dịch hay khó khăn như thời gian qua. Nông nghiệp nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được ưu đãi với mức trần lãi suất được các NHTM áp dụng không quá 4%/năm. Về tài sản đảm bảo, các cơ chế chính sách đã nêu rõ không phải tất cả các khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo mà có thể bằng tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai…

Ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Agribank (bên phải) đại diện Agribank tham dự Hội nghị

Agribank là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Agribank luôn chiếm thị phần lớn trong hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 12,5%), đóng vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong các năm qua luôn ở mức khoảng 60% - 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Agribank là ngân hàng có thị phần cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất hệ thống ngân hàng. Đến 30/11/2023, dư nợ cho vay lĩnh vực NNNT của Agribank đạt hơn 956.000 tỷ đồng với hơn 2,8 triệu khách hàng, chiếm hơn 63% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank và chiếm hơn 30% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng. 

Ngoài ra, Agribank đã chủ động triển khai một số chương trình để hỗ trợ khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Mô hình cho vay qua tổ vay vốn trong thời gian qua đã chứng minh hiệu quả của việc giảm tải, giảm áp lực quản lý khách hàng của cán bộ làm công tác tín dụng, đồng thời phát huy vai trò là những “cánh tay nối dài” của Agribank. Đến 30/11/2023, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn của Agribank đạt trên 200.000 tỷ đồng với trên 1.200.000 thành viên. Agribank triển khai 59 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 345 xã, phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các SPDV ngân hàng hiện đại. Agribank triển khai cho vay tín dụng quy mô nhỏ đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Hạn mức cho vay được duy trì tối đa 3 năm đã giảm tải nhiều hồ sơ giấy tờ cho khách hàng. Năm 2023, Agribank đã thực hiện rà soát và nâng hạn mức cho vay quy mô nhỏ từ mức 300 triệu lên 500 triệu đồng. Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng, đặc biệt là người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng thời hạn chế tín dụng đen, từ năm 2019, Agribank đã ban hành chương trình tín dụng tiêu dùng với quy mô 5.000 tỷ đồng, cho vay tối đa 30 triệu đồng không có tài sản bảo đảm. Đến nay doanh số của chương trình đã vượt xa quy mô, đạt 82.000 tỷ đồng với số khách hàng vay vốn hơn 897.000 khách hàng. Thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank đã đồng hành cùng bà con nông dân nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của nước nhà. Hiện nay, tỷ trọng cho vay không có tài sản bảo đảm trong lĩnh vực NNNT của Agribank chiếm khoảng 22% dư nợ cho vay lĩnh vực NNNT. Nhu cầu vay vốn của khách hàng trong lĩnh vực này ngày càng tăng do các chi phí đầu vào tăng cao.

Được đánh giá là quyết sách rất đổi mới, căn cơ với bà con nông dân, nhưng sau 8 năm được ban hành, một số nhóm đối tượng được hưởng cơ chế ưu tiên, ưu đãi tại Nghị định 55 sau này là Nghị định 116 đã thay đổi theo hướng ngày càng lớn mạnh hơn. Nên có thể giờ đây "chiếc áo" cơ chế này đã chật cần nới rộng hơn. Vì vậy, vừa qua NHNN tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành khác chuẩn bị nghiên cứu để mở rộng thêm đối tượng.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị về phía ngành Ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu hình thức cho vay tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai nhiều hơn để hỗ trợ cho người nông dân. Người nông dân thật thà, chân thành, nếu vay được đồng vốn thì có thể giàu lên, và ngược lại. Vì vậy, ngân hàng phải linh hoạt giúp người nông dân tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, nhưng đảm bảo đồng vốn đi đúng địa chỉ và hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn từ cơ sở, nắm được chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước. Đồng thời, phải phát huy và nâng cao vai trò của các quỹ hỗ trợ người nông dân…

Agribank News

 

2019 Bản quyền thuộc về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt NamHội sở: Số 2 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà NộiĐT: 1900558818/(+84-24)32053205. Email: cskh@agribank.com.vn. Swift Code: VBAAVNVX
Theo dõi chúng tôi